Tại sao chỉ 3,8 triệu đảng viên cộng sản

lại cai quản được 95 triệu người Việt ngày nay?


Võ Hưng Thanh

Đây là vấn đề hơi lạ, hơi ngạc nhiên, gần như chuyện vui, có thể nhiều người vẫn thắc mắc mà không tiện nói ra, nên đó càng phải điều nên đề cập và ở đây tác giả bài viết ngắn này xin khách quan thử mổ xẻ và phân tích. Mọi người đồng ý hay không, có lẽ sẽ mong được góp ý kiến sau.

1/ Nói về sự tổ chức và nguyên tắc tồn tại của đảng Cộng sản.

Đảng cộng sản VN cũng như mọi đảng CS khác trên thế giới ngày xưa cũng như ngày nay là đảng xuất phát từ chủ nghĩa Mác Lênin, do Lênin xây dựng nên từ đầu ở Nga sau cuộc cách mạng CS thành công năm 1917, mà nội dung, mục đích hay nguyên lý của nó là của học thuyết Các Mác ra đời vào giữa thế kỷ 19 tại châu Âu mà cụ thể là tại Đức. Nguyên tắc chính yếu của đảng CS được tự mệnh danh là đảng tiên phong của giai cấp công nhân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhằm thực hiện sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân là làm cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới để giải phóng loài người xây dựng thiên đường cộng sản tức là chủ nghĩa xã hội cộng sản khoa học do Mác đề ra. Nhưng ở những nước không phải công nghiệp như Nga thuở đó hay các nước Á châu khác, Lênin thay vào đó giai cấp nông dân, là điều mà Mao Trạch Đông từng áp dụng ở Trung Hoa cũng như đảng CS đã áp dụng ưu tiên ở VN. Ở các nơi này thực chất theo nguyên tắc là giai cấp nông dân làm nòng cốt.

Và nguyên tắc cốt lõi của đảng CS là dân chủ tập thể hay dân chủ tập trung, tức lấy đa số làm nguyên tắc, lấy sự thống nhất, sự chuyên chính làm nền tảng. Tất cả phải tuân thủ một ý thức hệ duy nhất, đó là chủ nghĩa Mác Lê, một giềng mối duy nhất là đảng lãnh đạo, có nghĩa Trung ương quyết định, hướng dẫn, lèo lái tất cả. Ai vào đảng cũng phải tuân thủ nguyên tắc nghiêm ngặt ấy, bất kỳ ai, đó là điều mà ông Hồ Chí Minh từng bảo các đảng viên là phải giữ gìn sự đoàn kết trong đảng như giữ gìn con ngươi của mắt. Như vậy cho dù thời thế hay hoàn cảnh thay đổi thế nào, nguyên tắc từ đầu đến cuối của đảng vẫn là duy nhất và vẫn luôn luôn do Trung ương quyết định duy nhất. Như do thời thế hoàn cảnh trước kia, ông Hồ đã từng một lần công khai giải tán đảng CS để rút vào hoạt động bí mật, biến đổi tên thành đảng Lao động, rồi sau một thời gian thuận lợi, lại ra công khai hoạt động trở lại mãi cho tới ngày nay.

Nguyên tắc cốt lõi đó lại được tổ chức thành một hệ thống hạt nhân trong toàn xã hội được gọi là các cấp ủy địa phương, các chi bộ ở cấp thấp nhất như phường xã, các doàn thể xã hội, các ngành nghề, các khu vực hành chánh và chuyên môn mọi cấp. Chính mọi hạt nhân đó chi phối, nắm quyền, điều động toàn xã hội, và chịu sự chỉ đạo từ trung tâm cao nhất là Ban chấp hành Trung ương hay Bộ chính trị nói chung. Chính các ủy viên ở đây, thường là 11 hay 15 người, là đầu não cao nhất, do từ các cấp dưới bầu lên theo các nhiệm kỳ đại hội, và họ thành ban lãnh đạo tập thể, nhưng đời nào cũng chỉ Tổng bí thư của Đảng là quan trọng nhất, vì là người điều phối, điều khiển chung tất cả. Toàn bộ máy này của Đảng lãnh đạo chung toàn thể cơ cấu hay bộ máy Nhà nước, trong đó có Quốc hội, các địa phương và các ban ngành trong toàn quốc nói chung. Đấy là tính cách độc đảng và độc tổ chức là như thế. Tức sự tập trung quyền hành tối đa, chỉ duy một nhất đầu chế chi phối mà không phải kiểu phân quyền rạch ròi ra tam quyền độc lập là hành pháp, lập pháp, tư pháp riêng rẽ như mọi nước không cộng sản. Dĩ nhiên trong một bọ máy toàn diện, tổ chức toàn diện, lãnh đạo toàn diện và theo dõi kiểm tra toàn diện như vậy, thì không bất kỳ ai ngo ngoe hó hé điều gì ngoài các nghị quyết của đảng, toàn dân cho đến mọi đảng viên, kể cả mọi ủy viên trung ương cũng chỉ đều có thế. Dân đi ra ngoài thì sẽ bị cưỡng chế, các đảng viên đi ra ngoài phải bị quở trách hay kỷ luật, mất uy quyền, các ủy viên trung ương nào đi ra ngoài phải bị kiểm điểm hay mất ghế. Như vậy mọi sự tổ chức lãnh đạo đó lâu ngày vô hình chung đã trở thành quán tính, như một guồng máy răm rắp tự động, nó hoạt động như theo nguyên tắc trừu tượng, vô hình nào đó, vượt lên trên hay ra ngoài mọi ý chí riêng lẻ của mọi cá nhân. Cho nên dân chủ tập trung thực chất cũng chỉ là hình thức, vì ai cũng phải dõi theo người khác để phát ngôn và hành động, không ai được quyền phát biểu riêng tư hay có quan điểm riêng tư của mình. Mọi nghị quyết vẫn là nghị quyết trong vòng khuôn khổ đã có, không phải kết quả của kết luận tự do và quyết định của mỗi đảng viên. Số đông hay nguyên tắc tuân thủ theo đa số, thực chất cũng là trong khuôn khổ, nền nếp đã có, không phải đa số hoàn toàn tự quyết theo cách tự do của riêng nhận thức hay lý trí phán đoán của mình.

Tất cả mọi điều đó thực chất là kết quả của quá trình xây dựng lâu dài trong thực tế bắt đầu từ đảng CS Liên Xô trước kia, qua các nước CS đã có và cho mãi đến ngày nay cũng không hề thay đổi mấy. Nó như cái hòn tuyết cứ càng lăn thì càng to ra, nặng thêm, hay như lạch nước cứ càng chảy càng mở rộng và tràn đầy hơn cho tới khi nào kết thúc. Không bất kỳ cái gì chống lại được nó, bên ngoài cũng như bên trong đều thế nếu chỉ yếu hơn nó tức quán tính đó, và toàn thể mọi đảng viên cũng như toàn xã hội cũng đều phải tuân phục như vậy. Dó là kết quả hay kim chỉ nam của cái được gọi là nguyên tắc chuyên chính vô sản của Mác và Lênin là người đầu tiên thực hiện và cụ thể hóa ra thành bài bản, ngay cả Stalin hay Mao Trạch Đông cũng là những người gia cố kỳ cựu và thành công nhất. Đó là điều mà các cán bộ tuyên huấn của đảng từng xiển dương đảng cộng sản là người tổ chức mọi thắng lợi, chủ nghĩa Mác Lê là vô địch bách chiến bách thắng, là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Chỉ có điều là gần một thế kỷ thực hiện trên toàn thế giới, từ số lượng trên cả trăm đảng CS, bây giờ thực tế chỉ còn có 4 nước có đảng CS lãnh đạo còn lại, và hầu như mọi nước còn lại đó ngày nay đã hoàn toàn từ bỏ nền kinh tế bao cấp ban đầu, đều chuyền sang nền kinh tế thị trường toàn cầu hội nhập quốc tế, nhưng chỉ còn khẩu hiệu bề ngoài để hi vọng mơ hổ hoặc mang ý vớt vất là kinh tế thị trường định hưỡng xã hội chủ nghĩa.

2/ Thực sự mục đích cốt lõi của nguyên tắc chủ nghĩa cộng sản hay của đảng CS là gì ?

Khởi sự đó không ngoài là nhằm triệt để xóa bỏ mọi quyền tư hữu. Tức chỉ còn kinh tế tập thể, xã hội tập thể về mọi mặt. Đó cũng là để nhằm xóa bỏ xã hội tư sản, tư bản, chỉ còn lại xã hội vô sản hoàn toàn sản xuất theo tập thể, trực tiếp phân phối sản phẩm lao động không thông qua cơ chế thị trường, không sử dụng tiền tệ, dần dần loại bỏ hết mọi bộ máy nhà nươc, chỉ còn có kinh tế kế hoạch hóa chặt chẽ, đó là cái được Mác gọi là san bằng giai cấp, san bằng bóc lột, đi đến xã hội phi giai cấp sau này. Cái đó còn được gọi là thời kỳ quá độ, chuyên chính chỉ là thời kỳ quá độ để đi đến xóa bỏ chuyên chính và giải phóng xã hội hoàn toàn. Mác cho mọi quan điểm chính trị pháp lý hay đạo đức truyền thống trước Mác đều là sản phẩm của bọn tư sản, của đấu tranh giai cấp, và chỉ có Mác mới là đạo đức cách mạng, nên phải xóa bỏ đến tận cùng mọi sản phẩm của xã hội tư sản để xây dựng xã hội vô sản bằng thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa cộng sản.

Duy có điều không biết đến bao giờ thì thời kỳ quá độ đó mới chấm dứt. Có người đoán liều có thể cả trăm năm, thậm chí cả ngàn năm nhưng cũng phải cố theo như thế, cố thắt lưng buộc bụng và tuân thủ chuyên chính để đi lên như thế. Nhưng Mác lại quên rằng bản chất tự nhiên của con người là đầy bản năng riêng tư và ích kỷ, từ đó cũng đầy tâm lý cơ hội và thích nghi. Cho nên không ai ngạc nhiên hiện nay ở các nước cộng sản còn lại đều đầy tư bản đỏ, tức các tầng lớp có đặc quyền đặc lợi mới, vươn lên làm giàu và trở thành tư sản giấu mặt mà đảng sẽ không bao giờ biết hay không bao giờ khui ra được. Bởi vì tất cả bọn họ đều chỉ lợi dụng được nguyên lý chuyên đoán sẳn có, tức có quyền thì có tiền, có tiền thì thành tư bản chỉ là điều hết sức tự nhiên vì khách quan. Đây chính là điều éo le của chủ thuyết Mác và khiến cuối cùng toàn bộ hệ thống chuyên chính của Liên Xô và khối Đông Âu cũ đều phải sụp đổ sau khi bức tường Berlin bị sụp đổ và bị xóa sổ hoàn toàn trong cuối thế kỷ trước.

3/ Nguyên tắc tự do dân chủ trong chế độ cộng sản.

Nguyên tắc tự do tự nhiên là nguyên tắc chung của mọi loài sinh vật. Đó là quy luật khách quan hầu để phát triển. Bởi nếu bị bó buộc hay bị khống chế mặt nào đó, mọi hoạt động sinh học dần dần bị khống chế, thoái hóa, suy biến và hủy diệt. Nhưng trong xã hội con người là xã hội luôn phải có tổ chức, có nguyên lý hoạt động hiệu quả, bởi đó khái niệm tự do ban đầu được gắn kết thêm với ý niệm dân chủ. Tức dân chủ là nền tảng, là nền móng của tự do cũng như ngược lại. Nhưng phát triển xã hội như thế là phát triển theo cách tư bản, đó là điều Mác không đồng ý, phủ nhận và chống lại. Bởi nếu để tự do thì không bất kỳ cá nhân nào lại thích cộng sản hay thực hiện cộng sản cả. Má biết thế nên đề ra chủ trương độc tài chuyên chính. Tức muốn làm cộng sản thì phải xóa bỏ tự do, phải đúc khuôn và khuôn đức càng chắc càng bền thì các cái bánh cộng sản đúc ra mới ổn định và như nhau được. Mác phải dựng nên giai cấp công nhân để làm nòng cốt, cũng như Mao không có giai cấp công nhân thì phải dựng lên giai câp nông dân để làm nóng cốt thế vào. Chuyên chính công nhân ở các nước phát triển trở thành chuyên chế nông dân ở các nước nông nghiệp lạc hậu. Nhưng Mác quên một điều khi người công nhân hay nông dân đi vào chính quyền, vào nhà nước, họ cũng không còn là công nhân hay nông dân như trước nữa, họ trở thành giai cấp quan liêu mới vì phần đông họ ít học, ít nhận thức. Đó là chưa nói những người không phải xuất xứ từ các giai cấp này, nhưng lau lách giỏi, thủ đoạn giỏi, sẽ thích ứng theo đó mà vào đảng, mà ngoi lên để nắm quyền hành, cuối cùng họ chỉ nhân danh, lợi dụng ý niệm giai cấp mà tính cách giai cấp chẳng còn ý nghĩa thực tế nào cả. Thật là bé cái lầm của học thuyết Mác, cuối cùng gậy ông đập lưng ông, công nhân cũng hoàn công nhân, nông dân vẫn hoàn nông dân trong đa số, cũng bị bóc lột bởi thiểu số, lợi dụng bởi thiểu số, và mèo vẫn hoàn mèo trong xã hội. Đó là niềm đau xót nhất mà mọi người phải chịu vì bị dẫn đi theo một con đường vong gai góc, gian nan bao mặt, cuối cùng lại chỉ quay về khởi điểm cũ. Ngày nay các nước cộng sản còn lại đều quay trở lại kinh tế thị trường nhưng trong thời kỳ sơ khai trong khi đó các nước tư bản đã vượt qua điều này từ cả trăm năm trước.

Cho nên nguyên lý tự do dân chủ trong các nước cộng sản thực chất chỉ là hình thức, không ra ngoài được nguyên tắc chuyên chính. Bởi vì đó là thứ dân chủ tập trung, tức chỉ một đầu duy nhất điều khiển tất cả, và dầu có được hô lên là dân chủ gấp cả triệu lần thì cũng chỉ nói chơi, nói cường điệu và hoàn toàn rỗng tuếch. Bởi tự do dân chủ thực chất hay thực sự thì phải có nhận thức độc lập, tư duy độc lập, năng quyền độc lập, ý chí độc lập. Đàng này tất cả thần dân dù loại nào cũng đều phải bị điều khiển và tuân theo một ông vua duy nhất, vua tập thể tự nội bộ tuyển chọn hay tấn phong lên, không ai được nói ngược, suy nghĩ ngược lại hay làm ngược lại. Như vậy Mác đã đưa xã hội phát triển quay trở lại với giai đoạn quân chủ phong kiến dưới hình thức mới, công lao giải phóng nhân loại của Mác ở đâu không thấy, chỉ thấy tội lỗi của việc kéo xã hội và lịch sử đi thụt lùi mà Mác gọi là cách mạng vô sản. Thực chất ý niệm vô sản là ý niệm nghịch lý, mâu thuẫn lại khuynh hướng tự nhiên của cá nhân và xã hội. Mác nhầm lẫn giữa ý nghĩa phương tiện của sở hữu thành ra mục đích tối hậu của nó, do đó phiên diễn lệch lạc sai trái cả khách quan lịch sử, khiến cho không thấy Mác cách mạng xã hội ở đâu mà chỉ thấy phản động vì phản tiến hóa, phản phát triển và làm nô lệ hóa, phi nhân hóa con người và xã hội. Cho nên khoa học là phải theo khách quan, theo nguyên lý đúng đắn, học thuyết của Mác chỉ là lệch lạc, là chủ quan, là nhận thức yếu kém và sai trái về mọi vấn đề, trong lý thuyết lý luận cũng như trong thực hành thực tế, nên cho dù Mác tự mệnh danh học thuyết của mình là “khoa học” khiến nhiều người mê lầm và bị thu hút, thì thực chất nó là phi khoa học, phản khoa học một cách rõ ràng nhất, nên mọi sự thất bại đương nhiên của nó cho tới nay chỉ đơn giản là vì thế.

4/ Nguyên tắc và ý nghĩa của tự do dân chủ truyền thống là thế nào ?

Nói cho cùng đó là ý nghĩa của khách quan và nhân văn. Ai sinh ra đời cũng bình đẳng và tự do, đó là ý nghĩa khách quan. Ai cũng có quyền sống độc lập không phải bị cưỡng chế phi lý bởi ai, vì có thế họ mới tự do phát triển và hạnh phúc tối đa, vì thế xã hội cần phải dân chủ, đó là ý nghĩa nhân văn. Mặt khác đó cũng là ý nghĩa khoa học vì nó đúng đắn, chính xác, hiệu quả, cần thiết mà không thể nào khác. Như vậy cũng có nghĩa nền tảng của cá nhân và xã hội là tư hữu như điều kiện đầu tiên tự nhiên mà không phải ngược lại như Mác quan niệm. Bởi vậy khái niệm xã hội vô sản là phi lý và chủ nghĩa vô sản là trái khoa học, phi khách quan, ngược lịch sử. Do đó mọi lý luận độc đoán của Mác chỉ là ngụy biện và phi giá trị vì đó chỉ là sự cưỡng từ đoạt lý, ép người ta phải nghe, buộc người ta phải chấp nhận giả tạo mà không ai thấy nó là hợp lý, thích thú hay kết quả cả. Cho nên Mác vơ đũa mọi quan điểm phi Mác xít là phản động, là tư sản, đó là một đầu óc càn dở, bệnh hoạn, điên loạn, vì chủ quan và do sự nhận thức sai khách quan, sai sự thật. Mà đi ngược lại tính khách quan chung, đi ngược lại mọi hạnh phúc chung, thế là phản động, phản nhân văn chớ còn gì nữa. Cho nên quả thật Mác là người cố chấp, không đúng đắn, ngoa ngôn cũng như bất chấp đạo lý và sự thật khi mình sai mọi điểm mà cho chính người khác mới sai. Cho nên chủ nghĩa Mác chẳng khác chủ nghĩa về một xã hội bôn sai, tức uốn cành, cắt lá một cách giả tạo, tưởng làm cho đẹp mà thật ra chỉ phục vụ thị hiếu giả tạo hay thành tích, công đức giả tạo của một số ít người. Sự hi sinh toàn lịch sử, toàn xã hội chân thực để phục vụ các ý đồ hay cảm quan riêng nào đó thật là tội lỗi của Mác. Quả thật Mác bé cái lầm hay đầu óc có vấn đề là hoàn toàn như thế. Mà ai cũng biết bon sai là để làm cảnh còn không có lợi ích gì thiết thực, nó chỉ để phục vụ các ông chủ do chính bàn tay các thợ làm vườn tạo ra. Nó hoàn toàn trái với quy luật và nguyên tắc của tự nhiên cũng như của xã hội. Tính cách ngạo mạn đối với con người, với xã hội và kể cả với lịch sử của Mác là như thế.

5/ Vậy tại sao một thiểu số người lại có thể nắm chóp được toàn xã hội ?

Điều này dễ hiểu là do sức mạnh của tổ chức và bạo lực. Nguyên tắc bạo lực là nguyên tắc đã do Ăngghen và Mác đưa ra ngay từ đầu. Nguyên tắc tổ chức là Nguyên tắc đã do Lênin dày công thực hiện. Mác cũng nói sức mạnh vật chất là vũ khí của sức mạnh tinh thần. Ta chỉ cần tưởng tượng một người chiếm giữ được ngọn đèo, có khi cả vạn người không qua được. Nhất phu đoạt ải vạn phu bất khai là điều người xưa từng nói. Nếu có một bể chứa kín lớn vững chắc, thì toàn bộ số nước chảy vào hay chảy ra phải đều nhất thiết đi qua cái lổ lù bé xíu duy nhất mà cái bề ấy có. Đó là do nguyên lý vật lý khách quan của tự nhiên. Cho nên do sự tổ chức của xã hội cộng sản quá toàn diện và chặt chẽ trong những thời buổi hoàng kim nhất của nó từ A đến Z ở khắp mọi nơi, giống như một tấm lưới nhặc khít rịt thì có cái gì ra ngoài được. Bởi vậy trong chế độ quân chủ chuyên chính nhất cũng chỉ một vì vua là độc tài, còn trong xã hội mác xít, toàn xã hội đều độc tài do từ sự độc tài của một chóp bu duy nhất, chỉ có ai mê ngủ mới không biết điều đó. Đó là điều chưa hề có trong lịch sử nhân loại, nên như bắc Triều Tiên hiện nay là trường hợp điển hình rõ nhất như thế. Nên thông thường, trong xã hội cộng sản, kể cả những người cầm quyền cao nhất cũng không có tự do, bởi nếu họ loạng quạng thì cũng bị hất ra ngay do qui luật quán tính.

Ngoài nguyên tắc tổ chức còn nguyên tắc tuyên truyền và huấn luyện. Cứ nói hoài con người sẽ nhập tâm. Giống chuyện trong núi đó không có cọp, nhưng nhiều người đồn thổi, vậy là mọi người đều tin có cọp. Hay đứa bé được cho mang mắt kính màu nào, nó cũng rất khó phân biệt được những màu khác. Nguyên lý phản xạ tự nhiên về óc não cũng là điều mà nhà tâm lý Pavlov cũng đã thí nghiệm phản xạ của loài chó. Cho nên nếu toàn xã hội nào đó đã được trang bị ngay từ nhỏ những niềm tin nào đó thì suốt đời phần lớn đều tin đó là thật, là chân lý khách quan, không ai có thể nói ngược hay làm ngược lại được. Chính đây là điều phi nhân và phi xã hội nhân văn nhất mà học thuyết Mác trong thực tế đã mang lại cho lịch sử loài người. Và như vậy thì với một số lượng nhỏ người nhưng có các phương tiện đó trong tay có khó gì không cai quản được toàn bộ xã hội nhiều gấp trăm hay gấp ngàn lần hơn. Chỉ cần một nhóm nhỏ trong Ban chấp hành đảng CS Trung Quốc hay chỉ mình cá nhân Mao Trạch Đông trong suốt thời gian dài vẫn cai quản được cả hơn một tỉ dân Tàu đâu khó. Nước Nga thời Stalin hay bất kỳ nước CS nào khác cũng đều như thế. Đó cũng là nguyên tắc mà nhà độc tài Đức quốc xã Hitler đã từng sử dụng rất khét tiếng.

Bởi tại sao ? Vì cá nhân con người là động vật có xương sống, nhưng trên bình diện toàn xã hội đó chỉ là một thực thể thần mềm. Nó phải mềm thì chui qua đâu cũng lọt và bất kỳ sức mạnh phi lý nào cũng đều định hình và giam hãm nó được. Nên cái khác của xã hội con người là tính nhân văn, tính khoa học, hay tính vật chất và tính cưỡng chế một chiều áp dụng cho nó mà thôi. Chẳng khác gì giữa nước chảy và nước tù đọng, cũng bản chất nước mà tính cách và công năng khác nhau. Tính chất của ao tù và đầm lầy khác với sông ngòi và biển khơi như thế nào thì ai cũng biết. Tất nhiên mọi cái gì sinh động tự nhiên thì luôn luôn hiệu quả tốt đẹp hơn mọi cái gì ngưng trệ hay tù đọng. Và sự khác nhau giữa nền “dân chủ nhân dân” với cả triệu lần, và nền dân chủ tự do kinh điển hay cổ điển truyền thống, thì không có mấy ai lại ngu dại gì mà không phân biệt được.

Chỉ có điều có nhân con người luôn luôn thụ động và ích kỷ. Mất một sợi lông mà có lợi cho người khác chưa chắc đã làm huống hồ mất hết quyền lợi và kể cả mạng sống. Thà đợi người nào làm mà mình hưởng còn hơn mình tự làm tự hi sinh để người khác hưởng. Đấy chủ nghĩa xã hội trong các hệ thống xã hội mác xít thông thường nó là như thế. Nó thường mang lại sự liệt kháng cho tất cả mọi người không loại trừ ai. Do đó bên ngoài danh từ là chủ nghĩa xã hội mà thực chất bên trong lại là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tận mạng hơn ai hết. Bởi mọi người dân không có phương tiện nào khác hơn chỉ nghe và nhìn. Cho nên nó cũng đồng nghĩa với sự thụ động, sự dững dưng, sự ích kỷ, sự cam chịu, sự chịu đựng, sự bàng quan, sự vô cảm nhiều mặt mà nhiều người đã ngây thơ lên tiếng ca thán. Con người thực chất phần đông chỉ sống ở mức sống tối thiểu nhất mà xã hội mang tới được, chỉ có số nhỏ là giàu có lớn, tức nhờ ở gần những van tích tụ quyền lực, hay chính nó lại là những van mở khép quyền lực. Mà cũng chỉ đời sống sinh học là chính, tức tiếp nạp và tiêu thụ vật chất, còn ý nghĩa tinh thần cũng chỉ là trình độ hiểu biết thấp nhất, một chiều nhất, công thức nhất, nghèo nàn nhất, và thậm chí cũng nhạt nhẽo nhất. Trong xã hội đó chỉ có tâng bốc, ngưỡng mộ, thần thánh hóa kẻ quyền lực là chính, người lãnh tụ là chính, có khi tâng bốc suốt đời một cách vô điều kiện mà không có yếu tố nào để so sánh với cái gì khác. Đó chính là một xã hội vong thân toàn diện, mọi cá nhân đều đánh mất bản thân toàn diện, điều mà chính ban đầu bản than Mác đã kêu gào và phản đối trước nhất trong thời đại của ông ta. Đấy quả là ngựa về ngược là như thế. Nên mọi cái gì Mác mơ hão làm tốt đẹp cho xã hội thì ngược lại do hậu quả của học thuyết ông ta nó trở thành thậm tệ nhất cho xã hội, thành tệ trạng nhất mà từ ngàn xưa chưa đâu từng có.

Nói chung trong xã hội triệu lần tự do đó thì không ai tự do cả nên người nào ở vị trí nào cứ ở nguyên vị trí đó. Nó là một xã hội phân tầng chặt chẽ, phân giai cấp chặt chẽ. Giai cấp “quý tộc” hay “dân tây” đời mới chính là các đảng viên, đó là điều hấp dẫn mọi người vào đảng lớp mới sau này. Vào để có quyền lợi hơn mọi người khác. Nhưng khi vào rồi thì khó mà ra được, vì đã trên lưng cọp rồi, hoặc chỉ vào đường ống một chiều mà không có lối ra ngược lại. Điều này hoàn toàn khác với những lớp đảng viên đầu tiên. Lúc đó là lớp người ban đầu chỉ gia nhập để hăng hái đánh Tây, nhưng dần dần cũng bị thuần hóa dần, khiến trở thành sức mạnh chung cho cả tập thể, đó là nguyên tắc của hòn tuyết rơi hay khe nước chảy mà từ đầu đã nói. Cho nên chẳng có điều gì là lạ lẫm hay đáng ngạc nhiên trên đời này, đó chẳng qua là do điều kiện, do tình huống, do thói quen, do tập tính xã hội thế thôi. Như người say thì chẳng bao giờ biết mình say. Vì khi biết là lúc họ đã tỉnh rồi. Những người nghiện mọi thứ khác cũng thế, người ta luôn tự mắc bẫy trong đó mà không phân biệt. Đó là cái hố của quán tính, giống như trong thế giới vật lý, thế thì ý thức tinh thần con người cũng gần giống như thế. Nó chẳng qua là cái bẫy năng lượng, vì với cái bẫy này thì một năng lượng nhỏ cũng đủ chi phối toàn bộ năng lượng rất nhiều lần lớn hơn. Một cái chốt cửa cũng đủ giữ chặt được đôi cánh cửa to đùng nhất. Hay cũng giống như cánh cửa to đùng vẫn phải quay quanh cái bản lề nhỏ xíu thì có lấy chi mà lạ. Đó chẳng qua là cái thế ghìm nhau mà thôi. Gặp thời thế thế thời phải thế, không phải chỉ 95 triệu dân mà kể cả 3,8 triệu đảng viên ngày nay cũng vậy, cũng đều đã bị cài vào thế cả, không loại trừ bất kỳ ai, kể cả những người được cho là nắm quyền hay lãnh đạo đảng cao nhất, thế thôi. Nhưng tất cả mọi thực tế này cũng sẽ phải đi đến một lối ra khi bổng nhiên có một điểm bất ngờ nào đó đột phá sớm nhất cũng như trở nên hiệu lực nhất. Và khi đó thì mọi sự quy chụp mang tính tiêu cực, phi lý và sai trái cũng sẽ không còn hiệu quả gì nữa cả.

VÕ HƯNG THANH
(17/10/2015)