Chùm hoa cosmos

Lưu An

Chương 5
Thấm thoát đã được bốn tháng kể từ ngày xa gia đình đi làm việc ở Vĩnh Long. Công việc làm đã bình thường và quen thuộc với Mai,  không còn những lo lắng chưa quen với công việc của những ngày đầu mới đến nữa. Cũng bốn tháng trời đó, mối tình của nàng và Đoàn càng ngày càng thắm thiết hơn. Trong niềm vui đó, Mai chưa hề mường tượng ra được những gì, mà người ta thường nói đến hai chữ  “trắc trở “ trong tình yêu của mình. Nhưng từ vài tuần lễ gần đây, Mai đã cảm thấy có điều gì không hay dù rất mơ hồ đang khuấy động mối tình của nàng và Đoàn. Những câu hỏi nhiều ẩn ý  từ những người thân trong gia đình về những sự giao tiếp với Đoàn. Ba mẹ kín đáo tỏ vẻ không  muốn Mai tiếp tục làm việc ở Vĩnh Long và nhất là có liên hệ thân thiết với Đoàn. Ba của Mai cho biết sãn sàng nhờ vả người quen để tìm cho nàng một chỗ dậy học khác ở Saigòn. Anh chị Khoa tìm đủ mọi cách kết nối nàng vơí Lĩnh trung úy không quân, người bạn thân của anh chị.
Đã hơn một tuần Đoàn phải đi công tác xa, mãi tới thứ tư tuần sau anh mới trở lại Cần Thơ. Bảng điểm muà thi lục cá nguyệt của lớp học cũng đã hoàn tất và đã nộp cho nhà trường. Ngày thứ hai tuần tới, lại đúng vào ngày nghỉ lễ,  một cuối tuần dài và rảnh rỗi. Để tránh sự trống vắng vì không có Đoàn, ngay sáng sớm thứ bẩy Mai lấy xe một mình về Sàigòn thăm gia đình.
Vừa bước vào nhà, hai đứa cháu con anh Khoa đã vây lấy Mai, chúng giành lấy chiếc gỉo qùa tặng trong tay nàng. Thằng Việt hò vui khi nhìn thấy mấy tầy bánh '' ít''cùng vài trái cây mà nàng mua ở bắc Mỹ Thuận. Nghe tiếng gọi, mừng vui của hai đứa bé, bà Khiêm, mẹ của Mai từ trong nhà vui mừng chạy ra, âu yếm nắm lấy tay Mai:
- Con đã về hả, mẹ trông mong con mãi .
Rồi bà quay ra nói với hai đứa nhỏ :
- Cháu Thúy, Việt đừng làm rối lên. Cô Mai mới đi đường xa về còn mệt, các cháu để cho cô nghỉ xả hơi một tí đã.
Mai ôm lấy vai bà Khiêm, cảm động nhìn thấy rõ nét vui mừng trên khuôn mặt của mẹ khi nhìn thấy mình. Nàng hỏi:
- Không có gì mệt đâu, mẹ đừng lo.  Con lấy chuyến xe rất sớm, lúc 7 giờ sáng, trời hôm nay mát mẻ và lại ít xe, chỉ có hơn hai tiếng đồng hồ, con đã về đến Sàigòn rồi.
Đưa mắt nhìn khắp nhà, ra vẻ tìm kiếm, Mai hỏi mẹ:
- Ba có nhà không mẹ? Còn anh Khoa, chị Quyên nữa, đâu rồi? Chắc hai anh chị ấy lại rủ nhau đi chợ rồi phải không?
- Hôm nay, sáng thứ bẩy ba con và anh Khoa vẫn phải làm việc mà. Có lẽ cả hai cũng sắp về để kịp bữa cơm trưa . Còn chị Quyên hình như vừa ra phố tìm mua vài cuốn sách cho cháu Thúy thì phải? .
Đưa bàn tay âu yếm vuốt nhẹ bờ vai của cô con gái, bà Khiêm tiếp:
- Con vào tắm rửa cho khoẻ rồi nghỉ ngơi một chút, chờ ba và anh chị Khoa về rồi ăn cơm.  Để mẹ nói chị người làm đi chợ mua thêm vài món để chính mẹ nấu món chả gìo nhân cua, món mà con thích nhất đó.
Mai cảm động, ngước mắt nhìn bà Khiêm, đưa đôi tay ôm lấy vai mẹ:
- Mẹ đừng làm cho mệt, con về thăm ba mẹ, anh chi Khoa và các cháu mới là chính, chứ ăn uống đâu phải là điều quan trọng. Lần này con ở nhà mãi đến chiều thứ hai tuần tới mới đi mẹ ạ.
Sau bữa cơm trưa, cả gia đình Mai ngồi quây quần quanh bộ ghế salon. Mọi người hỏi thăm Mai đủ thứ về cuộc sống và làm việc của nàng dưới Vĩnh Long. Từ việc ăn uống, giao tiếp với bạn bè đồng nghiêp và cả những khó khăn với lũ học trò trong lớp...
Mai ngồi bên cạnh mẹ cùng trên chiếc sofa. Bà Khiêm âu yếm đưa bàn tay vuốt nhẹ mái tóc đen thả dài xuống đôi vai của Mai. Đôi mắt bà nhìn khắp thân thể, khuôn mặt trắng mịn màng, hiền lành hơi có vẻ yếu đuối của con gái. Lúc này bà mới nhận rõ được, con gái của bà đẹp. Nét đẹp hiền hậu, nhu mì trầm lặng, dẽ mến của người thiếu nữ có học thức. Bà cũng nhận thấy rất rõ, chỉ bốn tháng trời nhẩy vào nếp sống tự lập. Con gái bà đã có quá nhiều đổi khác về thể xác cũng như về bản chất. Dù trong ánh mắt của Mai, bà vẫn tìm thấy còn vương tí chút nét nhìn e lệ như ngày trước. Nhưng bà mường tượng thấy rằng đã có vài dấu hiệu ưu tư trong ánh mắt của một cô thiếu nữ đã lớn khôn, vào đời rồi. Trong ánh mắt đã có vẻ  kín đáo, chứa đựng một tâm sự thầm kín, lớn khôn của người lớn. Nó khác biệt rõ ràng với  vẻ ngây ngô của cô gái vô tư ngày trước, lúc con gái bà còn là cô sinh viên, còn sống dưới sự săn sóc, chiều chuộng trước đây của bà nữa.
Bà cũng biết cô con gái yêu độc nhất của bà, đã chớm yêu đương, từ ngày rời xa gia đình xuống Vĩnh Long làm việc. Điều mà bà lo lắng và buồn phiền nhất, là con gái bà đã lựa chọn người con trai. Người mà gia đình bà không đồng ý với tất cả mọi phương diện mà anh ta có. Gia thế thì thấp kém, quê mùa, không một tí thế lực quen biết trong xã hội. Cá nhân anh ta không có dáng dấp của một người đàn ông đẹp đẽ, oai hùng, dù ở một mức tạm có thể chấp nhận được. Còn nghành học chuyên môn và tương lai trên đường tiến thân của anh ta, cũng chẳng có điểm gì cho gia đình bà vừa ý .
Điều làm cho vợ chồng bà lo lắng và buồn lòng, là con gái bà nhiều lần bầy tỏ thái độ quyết liệt với lựa chọn đó. Dưới con mắt của bà, con gái bà đang u mê bước vào sự vô lý, dại khờ. Bà cũng như chồng bà và cả người con trai, con dâu của bà đã kín đáo xếp đặt để kết nối Mai với Lĩnh người bạn thân của Khoa. Người đàn ông có tất cả những điều kiện tối ưu mà toàn thể gia đình bà mong đợi. Nhưng hình như những cố gắng vun xới của bà và gia đình đến nay vẫn chẳng có dấu hiệu nào thành công.
Con gái bà vẫn lơ là với sự xếp đặt, mong chờ của gia đình. Cố tìm cách lẩn tránh những dịp gặp gỡ, hay nói chuyện với Lĩnh. Chồng bà cũng như con trai của bà, đã nhiều lần làm áp lực, muốn con gái của bà  bỏ việc làm, xa rời Vĩnh Long, nếu cần bỏ luôn nghề dậy học để trở lại Sàigòn. Nhưng việc này không đơn giản như mọi người nghĩ, vì con gái bà không còn là một cô gái ngây thơ nữa. Nó đã dư đủ khôn ngoan để xử dụng quyền tự quyết của người trưởng thành trong luật pháp, trong thể xác và suy nghĩ của nó.
Ngồi bên Mai, trong tâm tư buồn lo đó. Bà Khiêm âu yếm vuốt ve cô con gái, với giọng nói ngọt ngào bên tai Mai bà nói:
- Mai, mẹ vừa nhận lời mời của một người quen, mời con và vợ chồng anh Khoa cùng đi tham dự bữa cơm tối hôm nay.
Mai, ngạc nhiên quay lại nhìn bà Khiêm:
- Đến nhà ai vậy mẹ? Tại sao con phải đi? Con dự tính dành buổi chiều tối hôm nay đến thăm một nguời bạn gái cùng tốt nghiêp sư phạm với con. Chị ấy đang dậy học ở Sàigòn, con muốn gặp để trao đổi kinh nhiệm và cũng để chuyện trò cho đỡ nhớ.
- Không thể chối từ được con ạ. Mẹ đã hứa với gia đình họ, cùng đi với con rồi .
- Sao kỳ lạ thế? Phải có con đi với mẹ mới được hay sao? Nhưng là ai mới được chứ?  
Bà Khiêm đang bối rối vì câu hỏi của Mai. Khoa ngồi đối diện, vẫn để ý theo dõi câu chuyện. Anh trả lời thay cho bà Khiêm:  
- Vừa mới đây, mẹ nhận được điện thoại của bác Tự mẹ của Lĩnh, biết em vừa về thăm gia đình. Bác ấy đã nhắn lời mời cả gia đình mình lên nhà bác ấy ăn cơm tối nay. Nhất là hôm nay có cả Lĩnh, con trai duy nhất của bác ấy đi tu nghiệp bổ túc nghề bay 4 tuần lễ ở Mỹ vừa về nước mấy ngày trước. Chắc có lẽ em không quên Lĩnh, trung úy không quân, bạn anh mà em đã gặp nhiều lần khi anh ấy đến chơi gia đình mình đó.
Mai thẩn thờ, nàng biết tất cả sự việc đã được gia đình xếp đặt từ truớc rồi. Đã mấy lần trong quá khứ, vợ chồng Khoa và cả ba mẹ đã nói với nàng rất nhiều về Lĩnh, mong nàng liên lạc với anh ta... Dưới mắt nàng, Lĩnh có rất nhiều điểm tốt đẹp, bỏ xa những người đàn ông bình thường về nhiều phương diện. Nhưng không hiểu sao qua vài lần gặp mặt, nói chuyện sơ sài với Lĩnh, Mai cảm thấy giữa nàng và Lĩnh có điều gì xa lạ, khó có thể cảm thông và tâm sự được. Mai đã cố gắng bình thản suy nghi, tìm ra lý do tại sao nàng lại không có sự cảm động với những săn đón của Lĩnh? Nhưng nàng hoàn toàn bất lực vì quá mù mờ, mù mờ đến nỗi lạ kỳ. Rất có thể vì tính tự tôn thái quá, đôi khi hợm mình vì giầu có, chức vị để khinh rẻ người khác thua thiệt hơn  của Lĩnh đã cho Mai cảm giác không hợp với con người của mình. Có lần nàng tìm cách xếp đặt hình bóng của Đoàn, bên cạnh Lĩnh trong trí nhớ để so sánh.  
Ở Đoàn nàng tự nhiên cảm thấy gần gũi, dễ tâm sự và nhớ nhung khi xa vắng dù chỉ vài ngày không gặp nhau. Còn với Lĩnh, nàng  hoàn toàn không có một tí cảm giác đặc biệt nào. Trong khi Lĩnh điệu nghệ hơn trong sự chiều chuộng, sang trọng và từng trải hơn trong việc tiêu pha và giao tế ... Nhưng những điểm đó hình như với Mai không có gì để nàng mong đợi thì phải. Bên cạnh đó, trong những cuộc nói chuyện với Lĩnh, hình như không mang cho Mai sự thích thú. Những câu chuyện của Lĩnh đầy ắp những tự hào hay dư thừa vật chất và quyền lực . Không mang cho Mai sự cảm phục đến từ sự thu nhận sự hiểu biết có tính uyên bác của một người có trình độ trí thức.   
Nghe câu trả lời của Khoa, Mai ngẫm nghĩ một chút rồi lắc nhẹ đầu, nhìn vào bà Khiêm nàng nói:
- Thôi, ba mẹ và anh chị Khoa đi đi. Con không muốn đến đó một tí nào cả, chỉ tạo ra nhiều rắc rối mà thôi.
Ngần ngừ một chút, nàng tiếp :
- Tại sao ba me và anh chị cứ bắt con phải làm những điều mà con không thích? Con không hề chê anh Lĩnh ở một điểm nào cả. Vớí con, anh ấy là dạng người đàn ông toàn vẹn. Người đàn bà nào được anh ấy yêu thương là một hân hạnh và may mắn, nhưng không hiểu sao con có cảm giác con không hợp với anh ấy thì phải. Chính vì vậy, dù con biết tất cả gia đình đều mong con thân thiết, gần gũi với anh ấy. Nhưng con không làm được, nó có vẻ miễn cưỡng và kỳ lạ quá .
Ông Khiêm, suốt nẫy đến giờ ngồi im nghe lời đối đáp của mọi người. Ông cầm mẩu thuốc lá đang cháy dở dang dúi vào chiếc gạt tàn, đưa mắt nhìn thẳng vào Mai ông nói:
- Mai, con sẽ lầm lẫn! Cái lầm lẫn lớn nhất của đời con nếu con từ chối kết thân với gia đình Lĩnh. Dưới mắt ba, thế đứng, danh vọng và ngay cả thể chất, cá nhân và gia đình Lĩnh là một điều quá tốt, không ai có thể thể phủ nhận được. Cá nhân của anh ta, một sĩ quan ưu tú trong quân đội, mấy lần đi tu nghiệp ở Mỹ... Tương lai chắc chắn sáng lan, chẳng còn gì để nghi ngờ và chê bai nữa.
Im lặng tí chút, như để cho Mai đủ thấm thía lời giải thích của mình, ông Khiêm tiếp:
- Ba muốn nói với con điều này. Ba biết lời nói của ba không vừa ý con, nhưng rất đúng với kinh nhiệm và khôn ngoan của ba. Cái bằng kỹ sư nông nghiệp, vai trò giảng viên đại học hạng bét của thằng Đoàn. May mắn nhất thì cũng chỉ kiếm đủ ăn cho đời sống bình thường, không chết đói mà thôi. Còn danh vọng, chỉ là con số Zéro! Ở một xã hội chưa phát triển và nhất là còn trong tình trạng chiến tranh như VN. Môi trường quân đội được coi là bước thang tốt nhất, nhanh nhất, huy hoàng nhất, mang người ta đến vinh quang và thoả mãn. Đã thế, Lĩnh lại hân hạnh trong một binh chủng ưu ái như không quân thì đúng là không còn gì để thằng Đoàn so sánh được.
Mai hướng mặt về hướng ông Khiêm, với giọng rất nhỏ nhẹ :
- Con không dám nói ba sai lầm. Nhưng cũng không có nghĩa ý hướng và suy nghĩ của con không đúng để con phải từ bỏ ý muốn, ước mơ của mình để miễn cưỡng nhận cái mà con không muốn, khác hoàn toàn với sở thích của con được ba ạ. Làm như vậy con thấy nó có vẻ buôn bán, không hợp với bản chất và tình cảm thật của con. Đã thế lại mang tiếng là giả dối với anh Lĩnh và cả với chính tâm tư, ý muốn của con nữa.
Với giọng hơi giận dỗi, chán nản, ông Khiêm nói:        
- Thôi, nếu con đã nói như vậy thì ba cũng chẳng muốn ép con làm gì, hơn nữa dù ba có muốn ép buộc con cũng không được mà. Con đã khôn lớn, dư đủ hiểu biết để quyết định cho tương lai của đời con.
Rồi ông đứng dậy, buông tiếng thở dài. Trước khi bỏ vào nhà trong, ông quay sang bà Khiêm :
- Nhờ bà xin lỗi anh chị Tự hộ tôi, tôi không thể đến được vì tối hôm nay, vì có hẹn đến nhà anh Trung tá Tiến xoa mạt chược rồi. Tôi đi ngủ một chút cho khoẻ rồi có người đến rước. Bà nhớ nói với anh tài xế buổi tối nay luôn luôn trực máy điện thoại để khi nào tôi gọi về, anh ấy đến đón tôi nhé.
Bà Khiêm im lặng buồn bã nhìn theo chồng khi ông bước lên chiếc cầu thang. Quay sang Mai bà nói nhẹ :
- Mai, con cố gắng đi với mẹ lần này, bởi vì mẹ đã hứa với ông bà ấy rồi. Dĩ nhiên việc con đối đãi với Lĩnh và gia đình anh ta ra sao là tùy ý của con, mẹ không có ý làm khó dễ chuyện yêu đương của con nữa.
Với giọng miễn cưỡng, Mai trả lời mẹ:
- Thôi được, nếu mẹ nói vậy con sẽ đi với mẹ để làm vui lòng mẹ. Nhưng con nghĩ rằng tất cả những gì con vừa nói là thật lòng của con rồi.
Sau khi bấm chuông. Mai, bà Khiêm và vợ chồng Khoa đứng chờ trước chiếc cổng bằng sắt rộng lớn của căn nhà gia đình Lĩnh. Một vi- la sang trọng còn nguyên vẹn nét xây cất theo lối cổ. Từ ngoài cổng, một con đường trải đá sỏi trắng, có hai đường lát đá xanh chạy song song dành xe ô tô, con đường dẫn đến bậc tam cấp của căn nhà. Trước nhà một cái hiên bằng bê tông, cũng là ban-  công của tầng hai phía trên. Chiếc hiên hơi nhô ra ngoài, được che phủ bởi cây hoa sứ to lớn, đầy hoa trồng bên cạnh căn nhà. Giữa bồn cỏ xanh mướt của khu vườn trước căn nhà, một hòn giả sơn được đặt trong cái hồ nước nhỏ xây là là mặt đất. Trong hồ vài con cá chép sặc sỡ chậm rãi bơi dưới vòi nước phun ở cạnh hồ.
Gia đình Mai đi theo ông gìa người làm vào trong nhà, phần trước rộng lớn trong căn nhà là phòng khách. Hai bộ salon bằng da sang trọng được đặt riêng biệt thành hai nơi, dùng để tiếp hai nhóm khách khác nhau. Trên tường treo mấy bức tranh sơn thủy, cổ xưa xen kẽ vài tấm sơn mài cẩm xà cừ đã lên nước bóng loáng. Ở phần sau căn phòng khách rộng lớn, một bức tường bằng đá mài mầu nâu, xây lửng lơ ngăn cách với  phòng ăn. Nơi đó kê hai cái bàn ăn dài hình trái trám, to lớn bằng gụ mầu đen. Chung quanh hai chiếc bàn, xếp gọn ghẽ những chiếc ghế ăn sang trọng.
Qua lời Khoa cho biết, ba của Lĩnh là chủ một công ty chuyên môn thầu cung cấp quân trang, quân dụng cho quân đội. Ông có tất cả 3 người con, Quỳnh là chị cả đã lập gia đình với một dược sĩ, đang làm chủ một tiệm thuốc tây lớn ở Sàigòn. Lĩnh là con trai duy nhất, bạn thân của Khoa, hiện là trung úy không quân. Cô con gái út, trẻ hơn Mai khoảng 2 tuổi, vẫn độc thân tên Xuyến, đang giúp đỡ ông bàTự trong vấn đề sổ sách, kế toán của công ty. Đặc biệt cả ba chị em Lĩnh, không một người nào học xong hết bậc trung hoc. Ngay cả Lĩnh cũng vậy, anh chỉ học xong tú tài bán phần rồi sau vài lần thi không đậu tú tài toàn phần. Đến tuổi quân dịch, nhờ quen biết và thế lực của gia đình anh được nhận vào không quân.  
Mọi người gia đình Mai, vừa bước lên khỏi bậc tam cấp. Bà Tự đon đả từ phía trong đi ra, miệng nở nụ cười vui mừng đón khách. Bà vồn vã, thân tình bước nhanh đến nắm lấy tay bà Khiêm:
- Chào chị Khiêm, anh chị vẫn khỏe chứ ạ ?
- Chào chị Tự, tôi và gia đình thì lúc nào vẫn vậy, anh chị chắc bận rộn lắm?
Bà Tự phân trần :
- Lâu lắm rồi mới gặp lại chị. Cháu Lĩnh cứ nói tôi phải dành thời gian đến chơi nhà anh chị, nhưng bận rộn quá, chưa làm được. Mong chị tha lỗi.  Đấy chị xem, ông nhà tôi, thường thường đi làm đến tối khuya mới về. Nhiều khi cũng không về nữa vì công chuyện làm ăn. Đã thế khách khứa liên miên, gần như tuần nào cũng vài ba lần.
Quay sang Mai và vợ chồng Khoa, bà Tự vui vẻ nói tiếp:
- Cháu Khoa và cháu Quyên thì bác đã gặp nhiều lần rồi vì thường đến đây chơi với Lĩnh. Nhưng cháu Mai, bác mới gặp lần đầu tiên, chỉ nghe bố mẹ cháu nói chuyện mà thôi. Vài lần trước kia, bác có tạt đến nhà cháu chơi, lúc cháu còn đi học nhưng cháu không có ở nhà. Tuy vậy bác vẫn nghe Lĩnh và anh chị Khoa nói về cháu nhiều lắm.
- Chào bác, cháu cũng nghe ba mẹ cháu nói về bác luôn, nhưng thật xui xẻo, mấy lần bác đến chơi, cháu lại bận đi học.
Đưa cánh tay thân thiện nắm lấy vai Mai, bà Tự ngắm nghía nàng, ra vẻ vừa ý:
- Bác nghe nói cháu phải xuống Vĩnh Long dậy học. Làm gì phải khổ sở như thế? Con gái học hành cho có mầu sắc với đời mà thôi cháu ạ.  Học cao để phải xa gia đình kiếm ăn, theo bác không thực tế tí nào cả.
Đưa mắt nhìn sang bà Khiêm, bà nói tiếp với Mai:
- Hãy nói với ba mẹ cháu tìm cho cháu một việc khác ở ngay Sàigòn, nhàn nhã hơn và lại gần gia đình nữa. Còn nếu cháu thích nghề dậy học, bác sẵn sàng giúp cháu có một chỗ dậy cho một trường tư thục của ông em ruột bác trai ở sàigòn.
Nghe bà Tự nói đúng ý mình, bà Khiêm nhìn Mai, nói với nàng:
- Đấy con thấy không? Ai ai cũng cho việc con bỏ Sàigòn, xa gia đình đi làm là điều bất lợi. Đã thế, con gái với hoàn cảnh và tuổi tác không thể như đàn ông được.
Rồi quay sang bà Tự, mẹ Mai phân trần thêm:
- Khổ quá! Tôi và ba cháu cũng đã khuyên nhủ bao nhiêu lần, nhưng cháu vẫn không nghe chị Tự ạ. Tiền lương thì chẳng có bao nhiêu, đổ vào tiền thuê nhà, tiền ăn uống, di chuyển đi đi, về về Sàigòn hàng tuần... Rút cuộc, dè xẻn lắm cũng chỉ đủ tiền mua qùa cho gia đình mà thôi. Đó, vợ chồng em nhờ chị khuyên bảo cháu hộ chúng em xem sao.
Trong lúc mọi người đang hàn huyên thì Lĩnh và cô em gái từ ngoài bước vào :
- Mẹ con đã về.
Quay sang bà Khiêm và gia đình Mai, Lĩnh vui vẻ :
- Chào bác Khiêm. Cháu từ Biên Hoà về, lại còn phải đi đón em Xuyến nữa cho nên không về kịp để chào đón bác và gia đình.  
Vồn vã bắt tay Khoa, thân thiện Lĩnh nói :
- Chiều tối hôm qua, tôi có gọi đến anh chị để rủ đến nhà Lộc ăn nhậu và gây ''sòng'' nhưng tiếc không gặp anh chị. Bác gái cho biết anh chị đi đám cưới.
Đưa tay vỗ nhẹ vào vai cô em gái, Lĩnh giới thiệu:
- Chắc em chưa gặp Mai, em của anh chị Khoa đó. Mai vừa tốt nghiệp đại học Sư Phạm và đang dậy học dưới Vĩnh Long.
Hướng về Mai, Lĩnh tiếp:
- Xuyến, em gái út của anh đó. Anh nghe chị Quyên cho biết em đã tốt nghiệp xong và phải xuống tận Vĩnh Long dậy học. Theo anh, em nên bỏ quách cái nghề gõ đầu trẻ nhạt nhẽo đó về Sàigòn kiếm việc làm khác tốt hơn. Anh chắc chắn sẽ kiếm cho em một nghề tốt đẹp hơn, nếu em muốn.
Mai chưa kịp trả lời. Xuyến đã xen vào :
- Đúng đấy chị Mai à. Theo em cái nghề nghiệp không tương lai, tiền bạc thì chẳng được bao nhiêu, danh vọng thì cũng chẳng ra gì. Đã thế, lại còn phải ôm vào mình cái vỏ đạo đức gỉa vớ vẩn của ông giáo, bà giáo,  rồi phải xa gia đình, xa đô thị văn minh sống ở nơi khỉ ho cò gáy nữa.
Mai hơi giật mình, cảm thấy khó chịu với lời lẽ không mấy xuôi tai, thiếu tế nhị của cô em gái Lĩnh. Cố giữ giọng bình thản, nàng nói vơí Xuyến :
- Thật ra mỗi người có một ý hướng, một sở thích khác nhau Xuyến à. Như em nói thì nghề nào có danh vọng tốt, tiền bạc nhiều nhỉ?
- Theo em, lúc còn trẻ tuổi đã bỏ công sức ra đi học, thì nên học Y khoa, Nha khoa hay Dược khoa, cho đáng cực nhọc. Còn không thì học hành đến một mức nào đó đủ tìm một việc làm nhàn nhã, nhiều tiền như chị Quyên thì tiện lợi hơn.
Cũng chẳng cần để ý đến nét mặt không mấy vui của Mai, Xuyến nói tiếp:
- Còn đàn ông. Nếu không là bác sĩ, dược sĩ thì đầu quân đi sĩ quan như anh Lĩnh. Sau khoảng 5, 7 năm làm ông này, ông nọ,  oai vệ, có lính hầu, người thưa, kẻ dạ không sướng hơn, là ngày ngày phải đứng trước lũ học trò. Đóng vai ông thầy, bà giáo khuôn thuớc trong cái vỏ hư danh, đạo đức hay sao ?
Mai chưa biết lựa chọn câu trả lời ra sao để tránh gây ra những sự bất hoà không cần thiết khi vừa quen biết Xuyến. Cô ta đã tiếp:
- Chị thấy anh Lĩnh đó, đâu cần học cao, nhưng anh ấy vẫn được đi Mỹ tu nghiệp liên miên. Lần này vừa trở về lại được đề bạt lên đại úy nay mai. Ngay như anh Khoa, nếu chỉ có cái văn bằng cử nhân luật trong đời sống dân sự, có lẽ nó chẳng có một gía trị gì. Nhưng với chức vụ một sĩ quan tư pháp, cái lon trung uý mới thực sự làm danh gía cho cái văn bằng cử nhân của anh ấy đó.
Mai mỉm cười, với giọng nói nửa đùa, nửa thật :
- Như vậy, chắc chắn ông bồ của Xuyến phải là một sĩ quan hay một người có nhiều danh vọng lắm?
Quyên vội vàng trả lời thay Xuyến :
- Mai, em cứ hỏi bác Tự thì biết. Bao nhiêu cây  ''si'' gốc kỹ sư, giáo sư... Nhưng cuối cùng vẫn chỉ có một người hùng đại úy Hải quân, may mắn được lọt được mắt xanh của Xuyến đó .
Vớí nét mặt sung sướng, tự hào vì lời khen tặng của Quyên. Xuyến đang kiếm một vài lời khiêm nhường lấy lệ, thì bà Tự đã nói với mọi người :
- Thôi, chuyện bàn luận về tương lai đó hãy tạm gác lại, để sau khi ăn cơm rồi hãy tiếp tục.
Quay sang Lĩnh, bà Tự nói với con:
- Ba vừa điện thoại cho biết, vì bận rộn với công việc cho nên tối nay về rất trễ, không thể cùng mọi người ăn cơm được. Vậy con và em Xuyến tiêp đãi Mai và anh chị Khoa hộ mẹ. Mẹ sẽ dẫn bác Khiêm đi xem vài cây kiểng trong vườn mà mẹ vừa mua và cũng để cho các con được tự do hơn.
Bữa cơm tối được diễn ra trong đầy tiếng cười đùa của mọi người. Những món ăn đặc biệt, sang trọng, được hầu tiếp bởi những người giúp việc. Bà Khiêm và bà Tự ngoài những câu chuyện rất tâm đắc về gia đình, công việc làm ăn cũng như những giao tế với giới thượng lưu, quyền hành trong xã hôi. Hai bà không nói ra nhưng đã có cái nhìn đồng tình, vừa ý nếu có sự kết nối giữa Lĩnh và Mai. Những xếp đặt, đưa đẩy của vợ chồng Khoa cũng như của Xuyến để cho Lĩnh có nhiều dịp chiều chuộng, tâm sự với Mai. Tất cả cũng không qua được đôi mắt quan sát kín đáo, vui mừng của hai bà.
Không biết có phải vì vô tình hay đã được vợ chồng Khoa nói cho biết về sự quen biết giữa Mai với Đoàn. Mặc dần Lĩnh vẫn vui vẻ, lịch lãm, ngọt ngào, săn đón, chiều chộng Mai, nhưng đôi lúc Lĩnh có những câu nói bóng gió, chê bai những người không đồng chí hướng với anh. Chính vì vậy Mai nhìn thấy ở Lĩnh ẩn hiện tánh cao ngạo và ít nhiều độc đoán. Nhất là anh chẳng ngại ngần đả kích, coi thường những người có bằng cấp vẫn còn ẩn nấp dưới bóng của các điều kiện hoãn dịch. Không trực tiếp tham dự vào đời quân ngũ như Lĩnh. Với Lĩnh, họ là những kẻ hèn nhát, lợi dụng thời cơ để an nhàn, sung sướng trong nỗi khổ cực, hiểm nguy của những người lính chiến như anh.
Lĩnh nói với Mai :
- Theo anh, ở thời điểm hiện tại, bất cứ người đàn ông nào tìm cách tránh né đời sống quân đội dưới bất cứ dạng thức nào. Vì hoàn cảnh gia đình, vì học vấn, vì công vụ, sức khoẻ, thế lực... Đều không xứng đáng là người đàn ông.
- Nhưng không lẽ tất cả đều là quân đội? -  Mai nhẹ nhàng nói với Lĩnh.
- Chẳng có gì gọi là kỳ lạ cả. Tại sao có kẻ đem thân mình ra với chết sống, ngược lại có kẻ được bảo vệ để yên vui  hưởng thụ? Không bất công lắm sao ? Theo anh bất cứ người thanh niên nào đến tuổi quân dịch, đều phải vào quân ngũ. Quân đội là nơi rèn luyện thể chất, tinh thần vững mạnh, là nơi tạo ra dạng người lãnh đạo đa năng nhất. Rồi sau một thời gian phục vụ, họ được tự do làm hay học những gì họ ước mơ.
Thấy Mai và mọi người im lặng, Lĩnh nói tiếp:
- Hãy nhìn bao nhiêu vị tổng thống, bộ trưởng, dân biểu, thượng nghị sĩ, các nhà kinh tế học nổi danh... của Hoa kỳ. Họ đã là những người lính, họ được tôi luyện kỹ càng trong quân ngũ. Huống chi VN chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, tại sao lại có kẻ hèn hạ hoãn dịch được! Môi trường quân đội có tất cả để người ta học hỏi nếu người ta muốn và có một tí can đảm tính của người đàn ông.
Mai im lặng, kín đáo nhìn nét mặt không mấy vui của Lĩnh khi nói chuyện cũng như thái độ biểu lộ đồng tình của vợ chồng Khoa và cô em gái Lĩnh. Mai hiểu rất rõ từ ngày quen biết Đoàn nàng đã gặp phải sự chống đối của cha mẹ và vợ chồng anh Khoa. Không phải chỉ vì khác biệt về gia thế mà còn vì tánh cao ngạo, không chịu nhún nhường, đôi khi thiếu tế nhị của Đoàn nữa. Anh từ chối hoà nhập vào những sinh hoạt giải trí của gia đình nàng, nhất là đối với vợ chồng Khoa. Một phần vì Đoàn không biết các thú vui đó. Phần khác vì Đoàn mang thành kiến cho rằng đó là những tệ nạn đáng trách của giới thượng lưu, quyền lực trong xã hội còn nghèo đói, chưa văn minh như VN.
Tiếng nói của Lĩnh vẫn vang lên trong sự im lặng lắng nghe của mọi người :
- Anh khuyên Mai, chẳng nên vì cái vẻ trí thức ươn hèn, lời nói văn hoa, của những con người gỉa dối đó, mà em phải làm bạn thân thiết với họ. Chẳng có gì phải ngại ngần phủi bỏ, tránh xa họ. Xem họ chẳng có gía trị gì trong hoàn cảnh hiện tại. Hòan cảnh của một VN đang chiến tranh chỉ cần những người đàn ông thật sự không phải là lũ trí thức hèn nhát.  Em có thể nhìn thấy nhan nhản những con người này ở các cơ quan hành chánh, giảng đường đại học... Họ cúi đầu, nhục nhã van xin, chỉ vì cần một tờ giấy để trốn tránh quân đội. Nhưng em cũng nhìn thấy họ vỗ ngực, xưng tên với bằng cấp Kỹ sư, giáo sư, đứng trên diễn đàn nói thao thao, bất tuyệt về đạo đức và công bằng.
Mai cầm ly nước cam lên miệng. Uống một ngụm nhỏ để tránh ánh mắt thoả mãn, vui mừng của Quyên, đang nhìn nàng với nụ cười thoáng nhẹ trên môi.
- Anh có bao giờ nghĩ rằng, anh đã quá khắt khe không? -  Mai nhỏ nhẹ hỏi Lĩnh
- Nói ra một sự thật, là khắt khe, là sai lầm sao Mai ?
Mai chưa kịp trả lời, Xuyến đã nói:
- Thành phần hoãn dịch hay miễn dịch dưới bất cứ lý do nào, với em đúng là một bất công khó có thể chấp nhận được.
Hình như nhìn thấy thái độ không vui của Mai, Bà Khiêm quay sang bà Tự đánh trống lảng:
- Có lẽ cũng hơi muộn rồi. Thôi xin phép chị và hai cháu để chúng tôi sửa soạn đi về. Có dịp nào mời anh chị và toàn gia đình đến nhà tôi ăn cơm và lại tâm sự nhiều hơn.
Ngồi trên xe, cùng với gia đình trên đường về nhà, Mai im lặng, để mắt nhìn bâng quơ ra bên ngoài. Viễn tượng không vui, đầy cách ngăn trong mối tình của nàng và Đoàn như làn khói tối đen bao phủ lấy tâm tư nàng. Mai buông tiếng thở dài với cảm giác lo lắng khi nghĩ đến tương lai, không biết mối liên lạc giữa nàng và Đoàn sẽ đi đến một kết cuộc ra sao?  
Bà khiêm hình như nhìn thấu tâm tư của con gái. Bà hỏi nhẹ bên tai Mai:
- Mai, con nghĩ thế nào về Lĩnh và gia đình anh ta?
- Con đã nói với mẹ và gia đình rồi. Chẳng có điều gì để lo lắng cho một người đàn bà khi họ được Lĩnh và gia đình anh ấy lựa chọn....
Ngần ngừ một chút, Mai bình thản trả lời bà Khiêm :
- Nhưng với con, hình như con cảm thấy giữa con và anh Lĩnh không hợp mẹ a. Nếu con đoán không lầm thì tham vọng về cuộc sống của anh Lĩnh và cái nhìn đời rất đơn sơ, ước mơ một lối sống bình thản của con có những khúc mắc không thể hòa hợp được.
Bà Khiêm im lặng đưa bàn tay vuốt vài sợi tóc lòa xoà trên khuôn mặt trái xoan, xinh xắn đang thoáng buồn của cô con gái. Bà hiểu rõ cá tính nhu mì, khép kín của con bà ngay từ khi con gái bà còn bé. Mai không có tính sôi động, hiếu thắng, bộc trực và thích hưởng thụ của Khoa. Cũng khác hoàn toàn với cá tánh thích giao tế, bề ngoài, nhìn đời đầy lý trí, tính suy của ông Khiêm, chồng của bà. Mai sống nhiều với nội tâm, thích đơn giản, mơ mộng và rất dễ xúc động. Bản chất đạo đức, thương người tiềm tàng trong dáng dấp chậm rãi, lễ độ luôn luôn nhỏ nhẹ với bất cứ ai . Ngay cả đối với người giúp việc trong nhà hay những người lính dưới quyền ba nàng, Mai luôn luôn đối với họ bằng lời nói êm ả, lịch sự.
Câu trả lời quá rõ ràng của Mai về Lĩnh, đã làm bà Khiêm thất vọng. Nhưng nhìn nét mặt hiền lành, buồn bã cùng tiếng thở dài não ruột của con gái làm bà quặn đau. Bà biết rằng con gái bà đang khổ sở với những áp lực đè nặng từ gia đình. Bà cảm thấy, không nên quá khắt khe với con mình để tránh cho con bà có cảm giác cô đơn, lạc lõng vì bị tất cả người thân trong gia đình đẩy về một phía đối diện.
Bà vòng cánh tay ra sau lưng của Mai. Kéo đầu nàng ngả sát vào ngực mình, âu yếm nói nhỏ bên tai con gái:
- Mai, với chọn lựa nào của con, mẹ luôn luôn đứng về phía con, bởi vì mẹ thương và hiểu con. Con đừng quá buồn làm gì.
- Cám ơn mẹ. Con thương mẹ, con hiểu rõ tình yêu của mẹ cha và cả anh chị Khoa đã đành cho con. Nhưng mẹ ơi, đời con không một tham vọng to lớn nào hơn là có một mối tình chân thật, toàn vẹn. Một người chồng thật sự yêu con cũng như con yêu mến họ. Con không muốn và chắc chắn cũng không hợp với cuộc sống mình sôi động trong những âm thanh của chức quyền, giàu sang.  Chính vì vậy con rất buồn và áy náy khi biết rằng bản chất của con khác ý hướng của gia đình.
Ngẫm nghĩ một tí, Mai đưa bàn tay lên bóp trán ra vẻ khó hiểu:
- Điều lạ lùng. Lạ lùng đến độ con không hiểu tại sao, con cảm thấy giữa con và anh Lĩnh có điều gì khó hợp với nhau được mẹ ạ .
Bà Khiêm suy nghĩ tí chút rồi nói :
- Có thể con và Lĩnh chưa có dịp gặp nhau nhiều?
- Theo con nghĩ, không phải vậy. Lúc con chưa đi làm việc, anh Lĩnh vẫn đến nhà chơi với anh Khoa và bạn bè khác. Con đã có nhiều dịp gặp gỡ và nói chuyện với anh ấy rồi mà.
- Con có nghĩ đó chỉ là những lần gặp gỡ thông thường không chủ đích không? Lúc đó con lo học hành, anh Lĩnh cũng chưa có ý định lập gia đình.
Ngần ngừ một lúc, bà Khiêm nói tiếp :
- Mẹ không có lý do nào để ép buộc con trong vấn đề yêu đương. Nhưng theo mẹ con cứ cởi mở với Lĩnh xem sao, đừng mang một thành kiến trước. Sau đó, nếu con thực sự tìm được những điểm không hợp nhau, chắc chắn ba mẹ sẽ không làm phiền hay ngăn cản con nữa.
- Vâng nếu mẹ nói như vậy, con sẽ cố đổi thái độ, gò mình vào thú vui lối sống cùng với mọi người xem sao. Nhưng theo con nghĩ, cũng chẳng đi đến đâu, mà còn gây ra nhiều phiền toái khác nữa mà thôi.

Chương 6
Khoảng vài tháng nay, nhìn thái độ ngại ngần, cố tình tránh né của Mai mỗi khi Đoàn đề cập đến những nguời trong gia đình nàng. Dù chưa biết chính xác những khúc mắc trong thái độ kỳ lạ của Mai. Nhưng Đoàn có linh cảm cuộc quen biết của anh và Mai đang đã có dấu hiệu không vui từ gia đình nàng. Mãi đến tuần lễ vừa qua, trong lần đến nhà Mai, Đoàn mới nhìn rõ được những khó khăn, làm cho anh suy nghĩ rất nhiều về tương lại của sự liên hệ giữa anh và Mai.
Cũng như mọi lần, Đoàn và Mai cùng nhau về Saigòn. Sáng chủ nhật. Anh đến nhà Mai để rủ nàng đi dạo phố, tìm mua một vài cuốn sách báo văn nghệ, mà chỉ có ở  Saigòn. Khi vừa bấm chuông, bà Khiêm ra mở chiếc cổng sắt, nét mặt bà không mấy vừa lòng khi nhìn thấy anh.
- Chào bà, thưa bà Mai có nhà không ạ?
- Chào cậu Đoàn. Mai nó mới đi khỏi nhà khoảng vài phút.
Với vẻ miễn cưỡng bà Khiêm nói tiếp :
- Mai có nhờ tôi nói lại với cậu, nó vừa được tin người bạn gái bị tai nạn bất thình lình cho nên phải vội vàng đi thăm, hẹn cậu vào buổi trưa nay.
- Cám ơn bà, Cháu sẽ điện thoại với Mai trước khi đến. Xin chào bà.
Đoàn chưa kịp quay đi, từ trong nhà Quyên vội vã chạy ra, nói to:
- Mẹ, chờ con một tí.
Quay sang Đoàn, Quyên tiếp:
- Chắc anh Đoàn không bận gì? Ba tôi có vài chuyện muốn nói với anh.
- Đúng đấy, ông nhà tôi cứ dặn tôi hoài, nếu có dịp mời cậu đến chơi để ông ấy có vài điều muốn bàn luận với cậu. -  Bà Khiêm vội vàng nói với Đoàn.
Mặc dầu chẳng có một tí hứng thú để tiếp chuyện với bất cứ ai trong gia đình Mai. Nhưng với lời nói của bà Khiêm, Đoàn chẳng có lý do từ chối được. Anh linh cảm thấy cuộc nói chuyện này không có gì vui thú cả.Đúng lúc đó, ông Khiêm từ trong nhà đi ra, đưa tay bắt tay Đoàn, dáng điệu lịch sự đầy vẻ ngoại giao, ông nói:
- Cậu Đoàn, khoẻ mạnh không? Rất nhiều lần tôi muốn gặp riêng cậu để nói với cậu vài chuyện riêng quan trọng nhưng chưa có dịp. Hôm nay nhân tiện Mai nó không có nhà, được dịp nói chuyện vơí cậu, thật là tốt. Mời cậu vào nhà .
Sau vài câu hỏi han đầy hình thức ra vẻ chú ý đến gia đình, đời sống cũng như việc làm của Đòan. Ông Khiêm bước vào vấn đề chính, mà Đoàn đã đoán được nội dung:
- Có lẽ cậu cũng biết việc Mai, con gái của chúng tôi xa gia đình, xuống Vĩnh Long làm việc, chỉ có tính cách tạm thời mà thôi. Nhất là sự quen biết thân tình giữ con gái chúng tôi với cậu là một điều rất khó xử, mang nhiều phiền phức cho gia đình chúng tôi.
Dừng lại một chút, đưa mắt quan sát thái độ của Đoàn, nhưng cũng chẳng đợi Đoàn trả lời,ông Khiêm tiếp :
- Tôi không muốn nói đến tình cảm của cậu và con gái tôi đúng hay sai qua cái nhìn của cậu và cả của con gái tôi. Nhưng với hoàn cảnh gia đình, với gia thế và cả với những mong đợi của chúng tôi về tương lai của con gái tôi. Tôi nghĩ rằng sự quen biết với cậu không được thuận lợi lắm, đang làm chúng tôi không vừa lòng, khó xử.
Vẫn với ánh nhìn dò xét, ông Khiêm nhìn sự im lặng, đầy vẻ bình thản của Đoàn, ông nói tiếp:
- Hôm nay, được gặp gỡ cậu, không có mặt của con gái tôi. Tôi muốn yêu cầu cậu suy nghĩ kỹ càng hơn về sự khác biệt giữa gia đình chúng tôi và gia đình cậu. Tôi mong cậu chấm dứt sự quen biết không có tương lai đó trước khi gây ra những rắc rối, phiền phức cho cậu và cả cho cô con gái của chúng tôi nữa.
Vẫn thấy Đoàn im lặng, ngần ngừ một chút, nhìn thẳng vào mặt Đoàn, ông Khiêm nói tiếp:
- Cậu có nghĩ rằng lời phân trần của tôi hợp lý hay không?
Đoàn trầm ngâm, cố giữ vẻ bình thản để suy nghĩ. Anh muốn tìm một câu trả lời rất thật của lòng mình. Nhưng cũng không tỏ vẻ ngán sợ, thua kém lời nói êm nhẹ, lịch sự nhưng đầy cao ngạo, coi thường gia thế mình của ông Khiêm. Anh đưa mắt nhìn thái độ im lặng, đợi chờ của ông bà Khiêm cùng sự thích thú, tự mãn hiẻn hiện trên khuôn mặt của vợ chồng Khoa. Chậm rãi Đoàn trả lời rất rõ ràng:
- Thưa ông bà và anh chị Khoa. Cám ơn những lời phân trần rõ ràng của ông vừa rồi. Có lẽ cháu phải thú thật với ông bà là ngay lần đầu tiên, ngẫu nhiên cháu và Mai quen nhau, khi biết rõ gia thế của Mai. Cháu cũng đã có trực giác là sự quen biết đó chẳng thể nào trôi suốt được. Chính vì vậy, cháu và có lẽ cả Mai nữa đến nay, ngay lúc cháu đang nói chuyện với ông bà bây giờ đây. Chúng cháu chưa bao giờ đặt thành vấn đề tương lai cho cuộc quen biết này cả.
Đoàn dừng lại tí chút để nhìn rõ sự im lặng chờ đợi sự giải thích thêm của anh từ gia đình Mai. Vẫn chậm rãi, bình thản, anh nói tiếp :
- Thưa ông bà. Khi mà cháu và Mai chưa một lần nào đề cập đến tương lai của sự quen biết, thì cần gì chúng cháu phải đề cập đến các vấn đề khác, liên quan đến gia thế, hoàn cảnh của cháu và Mai làm gì?...
Quyên buông một tiếng "xì" , định mở miệng cắt lời, nhưng Đoàn đã vội đưa tay ra dấu để cô ta yên lặng, rồi Đoàn nói với cô ta:
- Chị Quyên, xin chị cho tôi nói tiếp...!
Chẳng chú ý đến nét mặt bực bội của Quyên. Đoàn nói chậm hơn nhưng giọng nói chắc nịch, đối chát lại ý nhĩa cao ngạo coi thường gia thế mình của ông Khiêm:
- Thưa ông bà, mỗi gia đình, mỗi cá nhân có một lối tự hào riêng của họ. Người nông dân, người xích lô, xe kéo cũng như người giầu có, sang trọng hay vị tướng, tá quyền hành trong quân đội như ông... Mọi người đều có quyền tự hào, cao ngạo với thân phận và nghề nghiệp của họ. Nhưng sự tự hào, cao ngạo đó chỉ có gía trị thực sự, nếu họ hoàn tất vai trò, trách nhiệm của họ một cách tốt đẹp mà thôi. Cháu muốn nói là hành vi, nếp sống của con người họ có xứng hợp với thiên lương nghề nghiệp, vị trí của họ không. Theo cháu, đó mới là điều tự hào chính đáng, còn ngược lại chỉ là sĩ diện hão, gỉa đạo đức mà thôi.
Đưa mắt nhìn phản ứng khó chịu của ông bà Khiêm, Đoàn tiếp:
- Chính vì vậy người ta mới nói rằng, chỉ có người xấu xa chứ không có nghề nghiệp nào nhục cả. Dù ở một vị trí nào, sang trọng, giầu có, quyền lực ra sao mà không xứng đáng với vị trí, nghề nghiệp của họ thì có gì đáng để tự hào, kiêu ngạo đâu, thưa ông bà!
Nghe câu trả lời bốp chát của Đoàn, ông Khiêm có vẻ bực bội, hơi lớn tiếng ông hỏi Đoàn:
- Thế cậu đã thực sự hoàn tất tốt đẹp, vai trò của cậu chưa? Và cậu đã tự hào về cậu chưa?
- Thưa ông, cháu đâu dám tự tin quá lố để nói đã hoàn tất được vai trò của mình ở mức tuyệt hảo đâu. Nhưng chắc chắn, cháu có cố gắng và sẵn sàng phục thiện, học hỏi thêm, mong muốn làm tốt hơn  nếu nhận thấy mình sai lầm ông bà ạ...
- Thôi ông ạ, ông chẳng nên nhiều lời với cậu ấy làm gì, khi cậu ấy không muốn thông hiểu vấn đề. Điều quan trọng vẫn là con gái của mình. -   Bà Khiêm bực bội ngắt lời Đoàn.
Quyên hất khuôn mặt về phía Đoàn, tỏ vẻ coi thường, khá to tiếng:
- Anh ngụy biện quá! Tôi nói thật với anh, gia đình tôi không thể chấp nhận được cái nghề nông nghiệp của anh. Anh Đoàn à.
- Chị Quyên, chị có bao giờ nghĩ rằng, chị đã lầm lẫn hay quá thiển cận khi nghĩ rằng cứ học phân khoa luật là phải ra làm luật sư không? Chị nên hỏi anh Khoa để hiểu tường tận hơn, tôi nghĩ anh Khoa có đủ kiến thức để hướng dẫn chi.
- Nhưng tôi...
Quyên giận dữ đứng dậy, nhưng Khoa đã ngắt lới vợ :
- Quyên, em nói thế đủ rồi. Để anh nói với anh ấy một câu...
Rồi quay sang Đoàn, với giọng nói khôn khéo, Khoa hỏi:
- Cám ơn anh Đoàn đã cho chúng tôi biết ý kiến của anh. Như anh vừa nói việc quen biết của anh và Mai hoàn toàn không thuận lợi và anh cũng chẳng có dự tính cho tương lai. Vậy anh có thể cho gia đình chúng tôi một lời hứa, anh sẽ tìm cách chấm dứt liên quan đến em gái tôi được không ?
Câu nói khôn khéo của Khoa đã làm cho ông bà Khiêm và Quyên im lặng nhìn Đoàn, chờ đợi sự trả lời của anh. Đoàn chẳng ngần ngại, anh trả lời ngay:
- Anh Khoa, làm sao tôi dám hứa với anh chị và hai bác được, khi tôi vẫn chưa thực sự tin tưởng nơi mình. Anh tưởng rằng lấy lý trí, khôn ngoan để hướng dẫn được tình cảm dễ dàng sao? Tuy nhiên như bác gái vừa nói, vấn đề chính vẫn là Mai, anh Khoa ạ. Mai đâu phải là đứa bé mà tôi có thể bắt thế này, thế khác được. Hơn nữa, tôi có tư cách gì mà quyết định vấn đề khi mà nghề nghiệp và cả gia thế của tôi bị anh chị và hai bác chê bai. Tôi hoàn toàn để cho Mai lựa chọn.
Nói xong câu nói kết cuộc đó, Đoàn thấy chẳng còn gì để ngồi lại, chỉ tạo thêm điều phiên phức cho mình, anh đứng dậy chào mọi người. Trước khi ra khỏi nhà, Đoàn nói với bà Khiêm :
- Thưa bà, Xin bà nói với Mai, cháu có việc cần phải xuống Cần Thơ ngay sáng nay, vì vậy cháu không thể đợi cùng đi với Mai vào buổi chiều được.
Đúng như vậy, sau khi từ giã gia đình Mai trong tâm trạng bực bội vì những lời lẽ cao ngạo, coi thường gia thế, cá nhân mình của gia đình Mai... Đoàn về nhà lấy cái xách tay rồi ra bến xe trở lại Cần Thơ ngay buổi sáng.

Trở lại Cần thơ, dù bận rộn với công việc nhưng âm thanh những câu nói của gia đình Mai vẫn còn đeo đẳng trong ký ức, dầy vò Đoàn. Thái độ tự cao quá mức, khinh rẻ gia thế Đoàn từ những người thân của Mai đã làm anh bực bội và đau buồn. Đoàn bị rơi vào tình trạng lưỡng lự, đầy mâu thuẫn. Lý trí và tự ái vì nhục nhã thôi thúc anh phải vững mạnh, can đảm chấm dứt cuộc tình mà anh chẳng thấy có gì toàn vẹn trong tương lai. Nhưng mặt khác, tình cảm, sự nhớ mong lại đốc thúc anh kiên trì để vượt qua những rảo cản. Tình yêu của Mai mới là điều quan trọng. Anh không thể hèn nhát, dại khờ từ chối vì những lời nói vu vơ, cao ngạo đến nỗi thiển cận của những người ngoài cuộc, dù họ là người thân của Mai. Anh phải đứng dậy bằng những thành công để chứng minh cho họ biết giá trị thực của mình.
Đoàn cũng hiểu việc xa Mai không phải dễ dàng. Chỉ vài ngày không gặp nhau anh cũng cảm nhận được thế nào là nhớ nhung và buồn chán. Mỗi buổi sáng thử bẩy, trong giờ dậy thêm của Đoàn ở trường sư phạm của tỉnh lỵ. Anh vẫn mang cảm giác phập phồng đợi chờ bóng dáng mong manh, thu nhỏ của Mai im lặng đi vào từ khung cửa ra vào ở cuối lớp. Hình ảnh dễ thương, nặng tình đó luôn luôn cho Đoàn những cảm giác sung sướng che kín tâm hồn anh. Chỉ vài phút chậm trễ so với bình thường đã làm Đoàn bồn chồn vì bao nhiêu lời giải thích không vui .
Đoàn hiểu rất rõ, anh không thể nào xa được Mai, dù gia đình nàng tìm cách ngăn cản. Trừ phi chính nàng xô đẩy anh mà thôi. Chính vì vậy, dù mang tâm trạng thất vọng cho tương lai của mối tình. Bực bội với lời kiêu ngạo quá mức của gia đình nàng, nhưng Đoàn vẫn đến với Mai. Lý trí, tính suy đã nhường chỗ cho những ngọt ngào của những nụ hôn trong những buổi hẹn hò khi tái ngộ.

(còn tiếp)

 Trích truyện dài "Chùm hoa cosmos" - Tác giả: Lưu An - 2003

 

Đăng ngày 17 tháng 06.2021