Mặt chuột

Điệp Mỹ Linh

Từ khi Ts Trần Đức Cường – nguyên Viện Trưởng Viện Sử Học Việt Nam Cộng Sản – cùng các thành viên trong Hội Đồng biên soạn “trình làng” bộ lịch sử Việt Nam cho đến nay, tôi chỉ thấy vài bài bàn ra tán vào một cách vô thưởng vô phạt về việc bộ lịch sử này đã công nhận Việt Nam Cộng Hòa – chính phủ miền Nam Việt Nam, trước 30 tháng 4 năm 1975 – là một thực thể và bộ lịch sử này cũng không còn dùng danh từ “Ngụy quân Ngụy quyền” để miệt thị quân nhân và công chức miền Nam.
Tôi không ngạc nhiên trước sự “lơ là” của dư luận trong cộng đồng người Việt hải ngoại; bởi vì, đa số người Việt hải ngoại và tôi là những người trốn chạy khỏi ách cai trị tàn ác của Cộng Sản Việt Nam từ tháng 4 năm 1975. Chúng tôi không cần người Cộng Sản Việt Nam (C.S.V.N.) bỏ hay giữ cách gọi Ngụy quân Ngụy quyền. Người C.S.V.N. cũng không đủ tư cách và thẩm quyền để công nhận hoặc phủ nhận sự hiện diện của chính thể Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam, từ sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 đến 30 tháng 4 năm 1975.

Việt Nam Cộng Hòa (V.N.C.H.) là một thực thể không thể chối cải được trong hồ sơ quốc tế của hai hiệp định ngưng chiến năm 1954 tại Genève và năm 1973 tại Paris; và khi V.N.C.H. tố cáo trước công luận Quốc Tế về sự xâm lăng trắng trợn của Trung cộng vào Hoàng Sa của V.N.C.H. năm 1974.
Nếu nhóm người C.S.V.N. nào viết sử Việt Nam, tôi chỉ mong quý vị đó hãy can đảm và công bằng ghi vào lịch sử Việt Nam ba sự kiện “long trời lở đất” – danh từ người C.S.V.N. thường dùng – mà chính quyền C.S.V.N. đã áp đặt lên sinh mạng của không biết bao nhiêu ngàn người Bắc vô tội trong chiến dịch “cải cách ruộng đất”, "Nhân Văn giai phẩm" và "cuộc nổi dậy ở Quỳnh Lưu".

Sau khi viết tất cả sự thật về sự dã man, tàn bạo của đảng và người C.S.V.N. trong 3 sự kiện kể trên, người trí thức C.S.V.N. cũng nên mạnh dạn và công tâm viết lên sự thật của cuộc di cư “khổng lồ” ngay sau khi hiệp định Genève được ký kết, năm 1954, của cả triệu người Bắc vào Nam.
Và, tôi cũng thiết tha yêu cầu quý vị học giả viết sử Việt Nam hãy viết rõ và viết thật về trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, là do đảng và bộ đội cụ Hồ thực hiện – vào thời điểm hưu chiến để dân và quân 2 bên chiến tuyến yên tâm ăn Tết – được Tổng Bí Thư Lê Duẩn xác định như sau: “Sau khi Mỹ đưa hằng 100 ngàn quân vào miền Nam, chúng ta – người C.S.V.N. – đã phát động tổng tấn công vào năm 1968…”! (Bài Phát Biểu của đ/c Lê Duẩn năm 1979 và Những dự đoán về Bành Trướng Bắc Kinh).
Điều tối quan trọng là trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 01 năm 1974 là do ý chí bảo vệ biển đảo của chính phủ V.N.C.H. và lòng dũng cảm của quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tạo nên – Tôi không viết tắt 4 chữ V.N.C.H. vì ngại các “sử gia” C.S.V.N. giả vờ… viết nhầm!

Trong khi công dân V.N.C.H. ở hải ngoại không mấy quan tâm đến Bộ Lịch Sử Việt Nam về sự thay đổi cách gọi của người C.S.V.N. thì một ông tướng về hưu của C.S.V.N. lại “nhảy tưng tưng” vì tức giận!
Ông tướng về hưu của C.S.V.N. này tên Nguyễn Thanh Tuấn, cấp bậc cuối cùng là trung tướng. Theo bài viết của ông Tuấn – tựa là Trung Tướng Nguyễn Thanh Tuấn Yêu Cầu Xử Lý Bộ Sách Xuyên Tạc Lịch Sử Do Phan Huy Lê Làm Chủ Biên – thì ông Tuấn “đi bộ đội ở tuổi 13 đã bị Mỹ Ngụy sát hại và trước khi nghỉ hưu…” Đọc đến đây độc giả sẽ ngạc nhiên, tự hỏi: “Ông Tuấn đã bị Mỹ Nguỵ sát hại” thì ông Tuấn đã chết từ lâu rồi chứ làm thế nào ông Tuấn lại được về hưu và còn viết bài đả kích?
Đấy, chữ nghĩa của tướng C.S.V.N. đấy! Và, cũng chỉ có đảng và “nhà nước” C.S.V.N. mới cho phép hoặc bắt trẻ em 13, 14 tuổi đi lính! Tội nghiệp cho trái tim của các bà Mẹ miền Bắc biết dường nào!
Cũng trong bài này, ông Tuấn xác nhận: “…Minh đổ Khánh thay và sau cùng là tên quan hai học trường Pháp Nguyễn Văn Thiệu…” Có thể nói, trong toàn bài ông Tuấn viết, chỉ có câu này là đúng sự thật.
Vâng, quân nhân và công chức miền Nam nhiều người học trường Pháp lắm; nhiều vị còn có bằng hoặc chứng chỉ đại học nữa. Bất cứ công chức chánh ngạch hoặc sĩ quan cấp bậc nào – tùy vào thời gian học trung học, họ chọn sinh ngữ Anh hay Pháp làm sinh ngữ chính – cũng có thể đàm thoại xã giao bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Do đó, chưa bao giờ công chức miền Nam hay là sĩ quan Quân Lực V.N.C.H. phát âm “Made in Vietnam” là “Ma Dzê in Việt Nam” như thủ tướng C.S.V.N. Nguyễn Xuân Phúc đã phát âm!
Nhờ có trình độ văn hóa cao cho nên khi công du, giao tiếp với các vị nguyên thủ quốc gia bạn, giới chức lãnh đạo trong chính thể V.N.C.H. lúc nào cũng có thái độ lịch lãm của người trí thức chứ chưa có một giới chức lãnh đạo miền Nam nào lại có thái độ lố bịch, khiếm nhã, vô văn hóa như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của nước V.N.C.S. vào buổi hòa nhạc giao hưởng mà chính phủ Đức mời tất cả đại diện các quốc gia tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20/2017 tham dự.
Nếu quý độc giả hoài nghi, thì đây, tin từ Đàn Chim Việt: “… Đối với các nguyên thủ thế giới, có lẽ ấn tượng đặc biệt đọng lại sau buổi hòa nhạc, không phải là những âm thanh thánh thót du dương của bản Giao hưởng số 9 – mà là tiếng quạt giấy xoành xoạch của ông Phúc – Thủ tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Động tác "lạ" của ông Phúc sau đó đã lọt mắt một cơ quan truyền thông lớn của Đức, tờ báo Süddeutsche Zeitung cho rằng ông Phúc "có những cử chỉ lạ", gây ồn ào ảnh hưởng đến bà Thủ tướng Đức và các nguyên thủ quốc gia dự hội nghị G20”.
Sau đây là copy nguyên văn một đoạn cũng trong bài viết cùng tựa đề của ông Tuấn: “Sau khi chính quyền này (ý ông Tuấn muốn đề cập đến chính quyền Ngô Đình Diệm, nền Đệ Nhất Cộng Hòa) ra đời đã thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam, hơn 300 ngàn người bị bắt giam cầm, tra tấn, đánh đập dã man, hơn 100 ngàn người bị chặt đầu, mổ bụng, moi gan, bỏ bao bố thả sông, thả đập, bằng luật 10/1959 chúng đã lê máy chém khắp miền Nam […] hành hình hằng vạn người con yêu nước, hàng triệu người thân cách mạng […] tội ác của chúng có thể nói trời không dung, đất không tha…”
Nếu tội ác trời không dung đất không tha của chính phủ Ngô Đình Diệm là có thật như ông Tuấn viết thì tại sao từ sau 1954 đến 30 tháng 04 năm 1975 không có một công dân miền Nam Việt Nam nào trốn ra ngoại quốc như những đợt vượt biển, vượt biên ào ạt ngay sau khi bộ đội của ông Hồ cưỡng chiếm miền Nam? Không những chỉ đồng bào miền Nam mà ngay chính đồng bào miền Bắc, vào thời điểm hiện tại, 2016-2017, vẫn vượt biển đến Úc để rồi bị Úc trả về Việt Nam? Và, dưới sự cai trị “sắt máu” của chính thể Ngô Đình Diệm tại sao không hề có “xuất khẩu lao động” để cha mẹ già phải bán hoặc cầm thế mọi thứ nộp cho “nhà nước” Cộng Sản để con cháu của họ được đi làm cu-ly cho các nước khác – như đã và đang xảy ra trong xã hội chủ nghĩa C.S.V.N. hiện tại; cũng không có cảnh thiếu nữ Việt Nam phơi thây cho Tàu và Đại Hàn chọn lựa, mua về làm vợ – như đã và đang xảy ra từ ngày người C.S.V.N. nhuộm đỏ toàn nước Việt Nam; cũng chưa bao giờ thanh niên Việt Nam bị đi làm “nghiã vụ quốc tế” bên Cao Miên để thiêu rụi không biết bao nhiêu trai trẻ Việt Nam! Và cũng không hề có tệ nạn ăn cắp “rầm rộ” do du học sinh, công dân xuất khẩu lao động, nhân viên Hàng Không Dân Sự, con cháu của công chức cao cấp trong guồng máy C.S.V.N. thực hiện liên tục cho đến độ các nước trên thế giới phải viết bảng cảnh cáo bằng tiếng Việt, treo khắp nơi, như sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ông Tuấn kết tội – một cách mơ hồ, không tài liệu dẫn chứng – chính phủ miền Nam “…lê máy chém khắp miền Nam hành hình hằng vạn người…” Sáu chữ “lê máy chém khắp miền Nam” trong câu này ông Tuấn “sao y bản chính” từ bài phát biểu của đ/c Lê Duẩn năm 1979. Thì ra, đúng như Ba tôi và quân nhân, công chức bị C.S.V.N. nhốt tù cho biết: C.S.V.N. chỉ có bao nhiêu sách lược, bài bản để “cán bộ” và “đồng chí” học thuộc lòng, cho nên khi viết/nói thì cứ giống nhau!
Vì chỉ học thuộc lòng cho nên ông Tuấn kết tội chính quyền miền Nam mà ông Tuấn quên rằng, năm 1956, trong chiến dịch “cải cách ruộng đất”, đảng C.S.V.N. đã giết oan không biết bao nhiêu ngàn người tại miền Bắc. Ông Tuấn cố tình quên thì tôi xin trích một đoạn trong facebook của Dân Làm Báo để nhắc nhở ông: “…Bà Nguyễn Thị Năm vốn là một địa chủ yêu nước, từng đóng góp hàng trăm lạng vàng cho Việt Minh, đồng thời bà cũng giúp nuôi ăn ở nhiều cán bộ cao cấp cộng sản như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng […] Vụ xử bắn bà Nguyễn Thị Năm được coi là cuộc đấu tố "thí điểm" theo lệnh quan thầy Trung Cộng, mở màn cho các cuộc đấu tố tiếp theo trên quy mô lớn, dẫn đến cái chết của 675 ngàn người dân vô tội, tương đương với 5% dân số miền Bắc lúc bấy giờ.”
Sau đó thì: “Trong Hội nghị thứ 10 Trung ương đảng, Võ Nguyên Giáp đã thay mặt đảng đọc một bản thú nhận sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh khóc lóc và đổ cho cấp dưới thi hành chính sách quá đà, cách chức Thứ trưởng phụ trách cải cách ruộng đất của Hồ Viết Thắng để xoa dịu lòng dân.” (Facebook Cộng Hòa Thời Báo)

Ông Tuấn phản biện như thế nào về lời phát biểu của vài vị trí thức đã một thời “cùng phe” với ông? Đây là lời của nhà văn Trần Mạnh Hảo, một nhân chứng mà gia đình là nạn nhân của cuộc cải cách: “Và những gia đình bị bắn ở trong làng tôi cũng không bao giờ là địa chủ. Họ đã bắn, đã giết oan hàng mấy, hàng chục vạn người, thế thì làm sao mà có thể nói là một cuộc cải cách tốt đẹp được!”(1).
Kế tiếp là lời của ông Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Chủ tịch phụ trách Nông nghiệp của Hà Nội: “Điều thứ hai là bây giờ rất cần một sự thay đổi về ruộng đất. Không phải là chúng ta làm một cuộc cải cách về ruộng đất theo kiểu của Trung Quốc, theo kiểu 1953 trước nữa, mà là phải đấu tranh để xóa bỏ điều ở trong Hiến pháp là quốc hữu hóa ruộng đất của nông dân.”(2)
Và cũng của ông Nguyễn Minh Cần: “Vợ, chồng, con cái của người ta bị bắn chết thì hỏi sửa sai thế nào? Chúng tôi có mấy người liên lạc trong thời kỳ bí mật ở ngoại thành Hà Nội, thì đội cải cách về, chẳng hiểu thế nào mà họ nghèo, quy là địa chủ, bắn chết…”(3)

Và đây là tài liệu về Cuộc Nổi Dậy của nhân dân Quỳnh Lưu chống đảng và “nhà nước” C.S.V.N: “… Tờ mờ sáng này 11/11/56, các bà mẹ đã đánh trống, mõ kêu gọi dân chúng quanh vùng đến tiếp cứu xã Diễn Châu như bị động đất. Rồi 30.000 nông dân kéo đến vây phía ngoài 2 trung đoàn chính quy của C.S., trở thành một vòng bao vây thứ tự. Cuộc nổi dậy bộc phát quá lớn, quá mau, đã đi ra ngoài sự tiên liệu của cả 2 bên.
Trước tình hình này, Hồ Chí Minh ra lệnh cho Văn Tiến Dũng điều động Sư đoàn 304 từ Thanh Hóa, Phủ Quỳ và Ðồng Hới về bao vây nghĩa quân. Sư đoàn này quy tụ nhiều bộ đội miền Nam tập kết mà Hồ Chí Minh muốn xử dụng, thay vì dùng bộ đội sinh quán ở miền Trung hoặc miền Bắc, để có dịp trút tội cho binh đoàn "miền Nam nóng tính này"
Ngày 14/11/1956, Văn Tiến Dũng huy động thêm Sư đoàn 312 vào trận địa quyết tiêu diệt nhân dân Quỳnh Lưu. Khi vòng đai thứ 7 thành hình, Hồ Chí Minh ra lịnh tiêu diệt cuộc nổi dậy có một không hai trong lịch sử đấu tranh chống Cộng Sản…”(Cộng hòa thời báo)

Lúc nào người C.S.V.N. cũng lên án tội ác của “đế quốc” Mỹ và chỉ đưa ra được sự nhầm lẫn của quân đội Mỹ tại Mỹ Lai. Nhưng tội ác của Mỹ tại Mỹ Lai là do người ngoại quốc giết 22 nông dân Việt Nam; nhân vật chính trong vụ Mỹ Lai – Lieutenant William Calley Jr. – đã bị đưa ra tòa án quân sự Hoa Kỳ xét xử và thọ phạt; còn tội ác của đảng C.S.V.N. và bộ đội cụ Hồ – cùng là người Việt Nam – giết cả mấy mươi ngàn người Việt Nam trong chiến dịch “cải cách ruộng đất” và cuộc nổi dậy ở Quỳnh Lưu lẽ nào chỉ tương xứng bằng lời thú nhận sai lầm của ông Võ Nguyên Giáp và vài giọt nước mắt “cá sấu” của ông Hồ Chí Minh!
Xin trích nguyên văn câu sau đây – cũng trong bài viết cùng tựa đề của ông Tuấn – “Vậy Hiệp định Giơ ne vơ nói như thế nào và Mỹ ngụy đã thực hiện nó ra sao? Chắc các ông không thể xóa đi sự thật là: Vĩ tuyến 17 chỉ là vĩ tuyến tạm thời, sau hai năm (1956) hai miền sẽ hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà và Mỹ, ngụy là kẻ chủ mưu chia cắt lâu dài hai miềm Nam-Bắc…” Nếu ông Tuấn muốn biết ai chia cắt lâu dài hai miền Nam Bắc thì mời ông Tuấn đọc câu này, cũng trong bài phát biểu của đ/c Lê Duẩn năm 1979: “Khi chúng ta ký Hiệp Định Geneva, rõ ràng là Chu Ân Lai đã chia đất nước ta làm hai [phần]…” Thế thì tại sao ông Tuấn lại đỗ lỗi Mỹ Ngụy là “kẻ chủ mưu chia cắt hai miền Nam Bắc”? Ông Tuấn kết tội Mỹ Ngụy chủ mưu thì mời ông Tuấn đọc câu kế tiếp, cũng trong cùng bài của ông Lê Duẩn:“… Khi chúng ta ở miền Nam và chuẩn bị chiến tranh du kích ngay sau khi ký Hiệp định Geneva…”
Người miền Nam gọi du kích C.S.V.N. là Việt Cộng. Như câu ông Lê Duẩn đã xác định ở đoạn trên thì “…ngay sau khi ký Hiệp định Geneva…” Việt Cộng đã khủng bố người miền Nam bằng cách thảy lựu đạn vào rạp xi-nê, đặt chất nổ nơi cửa nhà hàng, ám sát xã trưởng, v.v… thì không lẽ dân/quân và chính phủ miền Nam không chống trả, để “khoanh tay” chịu chết à? Như thế thì tại sao ông Tuấn và người C.S.V.N. lại buộc tội Mỹ Ngụy?
Cũng trong bài cùng tựa đề, ông Tuấn viết: “V.N.C.H. đã được đồng bào Việt Nam yêu nước trong suốt 21 năm đều gọi là chế độ tay sai, bán nước…” Mời độc giả và ông Tuấn cùng đọc lời của ông Lê Duẩn, cũng trong bài phát biểu năm 1979: “… Lúc đó, hằng năm Trung quốc cung cấp viện trợ 500.000 tấn thực phẩm, cũng như súng ống, đạn dược, tiền bạc, chưa kể đến viện trợ đô-la. Liên Xô cũng giúp bằng cách này…”   Như thế thì đảng và bộ đội cụ Hồ có là tay sai của Tàu cộng và Nga hay không? Nếu không thì khí giới ở đâu mà bộ đội cụ Hồ dùng để “phanh thây uống máu” người miền Nam?
Ở đoạn khác ông Lê Duẩn bảo rằng: “…Ông ta – Mao Trạch Đông – nói rằng, vì Mỹ đánh chúng ta, ông sẽ đưa quân đội Trung quốc đến giúp chúng ta […] Mục tiêu chính của ông ta là tìm hiểu tình hình đất nước ta để sau này ông ta có thể tấn công chúng ta và từ đó mở rộng xuống khu vực Đông Nam Á…” Nhìn vào hiện trạng trên Quê Hương, ông Tuấn nghĩ gì khi thấy Tàu cộng tràn lan trong mọi thành phố, mọi ngõ ngách? Với trách nhiệm của một trung tướng ông đã làm được gì trước lời cảnh báo của ông Lê Duẩn về sự “xâm lăng không tiếng súng” của Trung cộng? Tại sao trước sự xâm nhập trắng trợn của Trung cộng ông Tuấn không lên tiếng phản kháng mà nay các nhà viết sử công nhận V.N.C.H. thì ông Tuấn lại nổi giận? Có phải đảng và “nhà nước” C.S.V.N. – sau khi bán cho Tàu từng phần đất của Ông Cha để lại – đã chia cho ông Tuấn bao nhiêu phần trăm cho nên ông Tuấn im hay không? Thế thì tại sao ông Tuấn lên án Ngụy quân Ngụy quyền bán nước?

Là người Việt Nam, không bao giờ tôi muốn hay vui thích khi thấy một dân tộc khác cai trị hoặc sống trên Quê Hương tôi. Nhưng, hãy mạnh dạn nhìn lại lịch sử đau thương của dân tộc Việt:

1.- Thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam, Ba tôi theo kháng chiến chống Tây. Khi nhận thức được bề trái của Việt Minh chỉ là đảng Cộng Sản do ông Hồ Chí Minh du nhập, rồi Việt Minh thi hành chính sách “tiêu thổ kháng chiến” và “bần cùng hóa nhân dân” để mọi người dân – chứ không phải ông Hồ và tất cả đảng viên C.S.V.N. – đều nghèo khổ và dốt nát như nhau, Ba tôi quyết định trốn khỏi “vùng kháng chiến” để trở về “vùng bị chiếm”, do Pháp cai trị.
Tại “vùng bị chiếm”, Ba tôi không bị một ngày tù nào cả; lại được người Pháp cho việc làm hợp với khả năng của Ba tôi. Thế mà khi đảng và người C.S.V.N. cưỡng chiếm miền Nam với khẩu hiệu bất hủ “không có gì quý hơn độc lập, tự do” thì C.S.V.N. nhốt tù Ba tôi và các em trai của tôi – cũng như C.S.V.N. đã nhốt tù tất cả quân cán chính miền Nam – rồi họ tịch thu nhà, tài sản, đất đai của mọi người; đuổi phụ nữ và trẻ con đi kinh tế mới! Trẻ con không được đi học vì có lý lịch Ông, Cha là Ngụy quân Ngụy quyền!
Về sau, người C.S.V.N. cho con cháu của Ngụy quân Ngụy quyền đi học. Nhưng học có bằng đại học rồi cũng chẳng tìm được việc làm, vì việc làm chỉ dành cho con cháu của người C.S.V.N.; vì vậy, con cháu của Ngụy quân Ngụy quyền đành phải mở quán trên vỉa hè để bán các thứ vặt vảnh, sống qua ngày!
Tưởng mở quán trên vỉa hè thì được yên thân kiếm cơm, không ngờ đảng và người C.S.V.N. lại mở chiến dịch “giải phóng mặt bằng” thế là Cha Mẹ của con cháu Ngụy quân Ngụy quyền đành phải cho con cháu xuất cảnh lao động hoặc xuất cảnh bán…dâm hay là vay tiền để con gái bơm ngực, bơm mông rồi vũ khỏa thân trong đám tang của gia đình các quan chức Cộng Sản để kiếm tiền!
Tôi có thể tha thứ và quên đi việc đảng và người C.S.V.N. đã cướp đoạt tài sản của Ông Bà, Cha Mẹ, anh, chị, em và của tôi rồi đuổi Mẹ, chị, em, con, cháu của tôi đi kinh tế mới; nhưng tôi không thể quên được chính đảng và người C.S.V.N. là thủ phạm về sự “ra đi vĩnh viễn” của Ông Bà, Cha Mẹ, chồng, anh, chị, em của tôi trong các trai tù khổ sai, trong lòng biển và nơi vùng kinh tế mới đói nghèo! Tôi cũng không thể tha thứ cho đảng và người C.S.V.N. trong việc “rước” Tàu cộng vào tàn phá Quê Hương và những cuộc hủy diệt di sản văn hóa của Ông Cha, chỉ để xây tượng đài của ông Hồ Chí Minh – người đã đem đau thương/tang tóc đến cho dân tộc Việt – và tượng của Lenin – tên tội đồ của nhân loại!

2.- Thực dân Pháp đô hộ Việt Nam nhưng người Việt rất biết ơn vị truyền giáo Alexandre de Rhodes đã khai sinh ra chữ quốc ngữ để người Việt Nam – trong đó có ông Tuấn – không phải viết chữ như cua bò của Tàu cộng. Một trong những “tên thực dân” Pháp gốc Swiss – nhà bác học Alexandre Émile Jean Yersin – là người đã khám phá cao nguyên Lâm Đồng; về sau người Pháp xây thành phố Dalat trong vùng cao nguyên này. Bác sĩ Yersin cũng từng dạy tại trường đại học Y Khoa Đông Dương, Hà Nội. Bác sĩ Yersin đã gắn bó với Việt Nam cho đến cuối đời; mộ của bác sĩ Yersin còn tại Suối Dầu, Nha Trang!
Bây giờ thành phố Dalat và Nha Trang là nơi lý tưởng để cán bộ cao cấp và các nhân vật uy quyền trong đảng C.S.V.N. xây không biết bao nhiêu dinh thự nguy nga, “hoành tráng”.
Sau này, di tích đảng C.S.V.N. để lại miền Nam là những dinh thự nguy nga; những nhà tù khắc nghiệt nhất để giam giữ Ngụy quân Ngụy quyền; những vùng kinh tế mới đèo heo hút gió; còn di tích của thực dân Pháp để lại trên Quê Hương tôi lại là những ngôi trường vang tiếng một thời!

3.- Đế quốc Mỹ “đô hộ” Việt Nam, không một người Việt nào liều chết để trốn chạy khỏi sự đô hộ đó. Sau khi người Mỹ rút lui thì không biết bao nhiêu ngàn người Việt cũng “rút lui” theo Mỹ để khỏi phải bị người Cộng Sản trù dập hoặc tàn sát! Và ngày nay, người Cộng Sản cũng gửi con cháu “rút lui” theo “bọn Mỹ xâm lược” để con cháu của người C.S.V.N. khỏi phải ăn thức ăn nhiễm hóa chất độc hại do hãng xưởng của Tàu cộng – xây trên đất nước Việt Nam – thải ra sông biển làm ô nhiễm môi trường sống của mọi sinh vật, kể cả con người!
Có phải hơn nửa thế kỷ trước, đảng và người C.S.V.N. quyết tâm “sinh Bắc tử Nam” để đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào” chỉ vì Mỹ không trả tiền thuê đất trên nước Việt Nam cho đảng và người C.S.V.N. bỏ túi hay không?
Nhìn xem, sau khi Mỹ “cút” thì từ Bắc xuống Cà Mau, từ cao nguyên xuống đồng bằng và các khu vực quân sự dọc bờ biển, Tàu cộng ngang nhiên xây những công xưởng rất quy mô – sau khi Trung cộng ký hợp đồng thuê đất dài hạn, giao tiền cho “đảng trưởng” và người C.S.V.N. bỏ túi thì mọi chuyện… “êm ru”!
Ngày trước cũng như bây giờ, đảng và người C.S.V.N. cố tuyên truyền để người Việt Nam ghét Mỹ, để người Việt Nam “ngã” về Trung cộng; vì đối với đảng và người C.S.V.N. thì đảng C.S.V.N. và Trung Cộng như môi và răng, “môi hở răng lạnh”, “4 tốt 16 chữ vàng”. Đảng và người C.S.V.N. cứ tưởng rằng dân Việt Nam sẽ nghe theo và “hồ hởi” đón người “anh em” Trung cộng; nào ngờ người dân Việt Nam đã thấy rõ bộ mặt của đảng và người C.S.V.N. chỉ biết nhận tiền của Trung cộng để Trung cộng được tự do “tung hoành” ngay trên giang sơn của Ông Cha để lại; cho nên sự tuyên truyền của đảng và người C.S.V.N. thất bại hoàn toàn!
Muốn biết sự tuyên truyền của đảng và người C.S.V.N. thất bại như thế nào, xin mời xem lại hình ảnh/youtube Tổng Thống Hoa Kỳ, Obama, thăm viếng Việt Nam vào tháng 05 năm 2016 và hình ảnh cá chết ở Vũng Áng và dọc bờ biển Việt Nam thì sẽ rõ.
Sau hai sự kiện lớn – Vũng Áng và ông Obama – người dân Việt đã nhận thức được sự tuyên truyền dối trá của người C.S.V.N.. Càng ngày càng nhiều người trẻ nổi lên phản bác, chỉ trích đảng và “nhà nước” C.S.V.N.. Dù bị người C.S.V.N. đánh đập, tra khảo đến chết, sự phản kháng vẫn tiếp tục; vì lòng người dân Việt đang sôi sục ý chí chống Tàu cộng.
Vì quá lo sợ ý chí chống Tàu cộng trong lòng dân Việt bộc phát, đảng và người C.S.V.N. có những hành động rất ngô nghê như thi hành kỷ luật đối với họa sĩ Nguyễn Nhân về bức tranh Biển Chết! Bức tranh chỉ vẽ một xác người trôi dật dờ trên triền sóng và một phụ nữ đội nón lá ngồi bên bãi biển vắng, chung quanh bà chỉ toàn là cá chết!
Chỉ có dưới chế độ C.S.V.N, một tác phẩm sống động, đầy nghệ thuật như Biển Chết mới khiến cho tác giả phải long đong!
Tình cảnh trên Quê Hương hiện nay khiến người dân Việt nhận ra được sự thâm thúy của câu “Cháy nhà ra mặt chuột” mà không người dân Việt nào không biết!
Bằng chứng: Ngày 16 tháng 09 năm 2017, người dân phường Hiệp Thành, Sài Gòn bao vây nhà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội để tố cáo tham nhũng, cướp đất. Người dân kêu gọi “bác” Trọng tịch thu tài sản của Nông Đức Mạnh và bọn tham nhũng để hoàn trả cho dân. (youtube của DTV)
Ngày 19, 20 và 21 tháng 9 năm 2017, mấy ngàn tiểu thương chợ An Đông biểu tình bao vây trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Saigon.
Ngày 25 tháng chín 2017, hơn 500 công an đã dí roi điện, xịt vòi rồng đàn áp 200 người biểu tình chống ô nhiễm và đòi bồi thường tại khu công nghiệp Lai Vu thuộc tỉnh Hải Dương…(Báo Người Việt).
Viết đến đây tôi chợt nhớ câu Ba tôi thường dạy tôi: Muốn biết lòng dân đối với một chế độ như thế nào thì hãy tìm trong thi ca dân gian. Từ ngày người C.S.V.N. cưỡng chiếm miền Nam tôi mới được nghe:
Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ.
Mũ tai bèo che khuất nẻo tương lai.
Hay là:
Chiều chiều ra bến Ninh Kiều,
Dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân.
Bốn câu này hết sức tượng hình làm tôi nghĩ đến hai ca khúc – “nhạc vàng” –miền Nam đã được ai đó “sửa” lời ca khác, rất chính xác. Bài đầu tiên là Khúc Hát Ân Tình, nhạc Xuân Tiên, lời Song Hương được đổi tựa là Vào Vơ Vơ Vét và lời ca: “Việt Cộng từ là phương Bắc kéo vô miền Nam vô một bầy, tàn phá nơi này, cùng nhau vơ vét. Ôi! Đồng chí vô Nam làm chi? Đời dân tiêu rồi ối đồng chí ơi...Một lòng cùng nhau vơ vét đảng ta cùng nhau tha hồ lời Bác đang truyền cùng nhau ăn cướp. Ôi! Nhà của nhân dân từ nay về tay cán bộ ối nhà nước ơi...”
Tiếp theo là bài Con Đường Xưa Em Đi, nhạc Châu Kỳ, lời Hồ Đình Phương được đổi lại là Con Đường Xưa Mi Đi, rất hợp cảnh hợp tình, nói lên được nỗi lòng của người miền Nam:“…Con đường theo Lê-nin lũ bay còn bước đi hỏi còn ai bước theo? …Gieo chi sầu khổ muôn vàn khi biết chúng mày là loài Cộng Sản tham tàn. Bao năm rừng đất điêu linh biển cũng không còn ruộng đồng khô nước cạn! Dân oan bao kẻ không nhà chỉ biết kêu trời mà trời cao nào thấu?… Xót xa ngàn nỗi đau cút mẹ mày đi... thằng cộng nô.”
Chưa bao giờ tôi nghe dân chúng chế nhạo chính quyền một cách quá cay đắng, quá chính xác như từ khi đảng và người C.S.V.N. “giải phóng” để biến miền Nam văn minh, phồn thịnh trở thành một nơi… “đĩ nhiều hơn dân” và người Tàu nhiều hơn người Việt!
Tôi muốn nhắn với người C.S.V.N.: Đừng lừa gạt – nhất là lừa gạt người miền Nam – nữa! Người C.S.V.N. đã gạt chúng tôi ngay từ Hiệp Định đình chiến tại Genève năm 1954; Hiệp Định hưu chiến năm Mậu Thân, 1968; Hiệp Định ngưng bắn năm 1973; kêu gọi Ngụy quân Ngụy quyền “đăng ký” học tập đem theo tiền ăn cho 10 ngày; đi kinh tế mới và ủng hộ tài sản cho “nhà nước” thì Ông, Cha hoặc chồng, anh, em được mãn tù sớm, v.v…
Bây giờ người C.S.V.N. muốn dùng thủ đoạn viết lịch sử, công nhận V.N.C.H. để gạt chúng tôi một lần nữa ư? Dù đảng và người C.S.V.N. muốn dùng thủ đoạn viết lịch sử để tìm giải pháp cho vấn đề Hoàng Sa hay là đảng và người C.S.V.N. “thấy sang bắt quàng làm họ” – vì đảng và người C.S.V.N. thấy rõ sự thành công tuyệt vời của thế hệ di dân thứ hai – thì câu trả lời vẫn là: “Không dễ” – ít nhất là đối với tôi.
Để kết thúc bài viết, xin độc giả cho phép tôi được “khen tặng” đảng và người C.S.V.N. một lần: Trong tất cả những mánh khóe gian manh, lừa bịp mà đảng và người C.S.V.N. áp dụng cho người Việt Nam và quân nhân, công chức của chính phủ V.N.C.H. cùng các đảng phái, thì “cú” lừa mà đảng và người C.S.V.N. dành cho “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam là “cú lừa ngoạn mục” nhất!

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/

1-2-3.- BBC tiếng Việt.



Cựu Đại sứ VNCH Bùi Diễm

nói về bộ sách 'Lịch sử Việt Nam'

Cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, ông Bùi Diễm bình luận về bộ sách 'Lịch sử Việt Nam' gồm 15 tập do Viện sử học Việt Nam công bố, xuất bản, trong đó có chi tiết thay đổi cách gọi cũ từ trước mà các sử gia Hà Nội vẫn gọi Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy quân, ngụy quyền".
"Nhà cầm quyền Việt Nam bây giờ có nói đến vấn đề nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa, điều đó tôi nghĩ cũng là một sự thực lịch sử không ai chối cãi được," ông Bùi Diễm nói với BBC Tiếng Việt hôm 23/8/2017 từ Mỹ.
"Có lẽ bây giờ những nhà cầm quyền ở Việt Nam cần đến những điều đó để nói cho rõ rằng Hoàng Sa hay là Trường Sa là của Việt Nam".
Phản ứng về một phát biểu của Tổng chủ biên bộ sách nói trên với truyền thông quốc tế bằng tiếng Việt cho rằng các soạn giả bộ sách chỉ thay đổi cách gọi tên, còn bản chất cách hiểu về chính quyền Sài Gòn "vẫn không thay đổi" khi đó vẫn được coi là một chính quyền "đánh thuê cho Mỹ" v.v..., ông Bùi Diễm nói:
"Mình phải nhìn Việt Nam trong bối cảnh của một cuộc chiến tranh lạnh thời bấy giờ, người Mỹ mà can thiệp vào vấn đề Việt Nam là do chính sách gọi là "be bờ" chống lại sự lan tràn của cộng sản xuống miền Nam Việt Nam.
"Nếu mà nói tới sự giúp đỡ của người Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, thì người ta cũng phải nói tới sự có mặt của những quân đội Trung Cộng ở miền Bắc trong suốt trận chiến tranh, những quân đội đó không tham gia vào trận chiến đối với miền Nam, nhưng đã giúp những người ở miền Bắc có tất cả sự dễ dàng để người miền Bắc có thể mang quân đội để mà tấn công miền Nam Việt Nam.
"Vì vậy cho nên những lời buộc tội rằng miền Nam Việt Nam dưới quyền, dưới ảnh hưởng của người Hoa Kỳ, thì chúng ta cũng phải nhìn lại vấn đề dưới khía cạnh một cuộc Chiến tranh lạnh một bên là Mỹ quốc và một bên kia là thế giới cộng sản, có cả Liên Xô và có cả Trung Cộng lúc bấy giờ," cựu Đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ giai đoạn 1967-1972 nói với BBC Tiếng Việt.

26 tháng 8.2017

http://www.bbc.com/vietnamese



Lịch sử Việt Nam sẽ sang trang

khi không còn “ngụy quân ngụy quyền”?

Người Sài Gòn di tản hôm 29/4/1975.
Người Sài Gòn di tản hôm 29/4/1975. Photo: AFP

Bộ sách thông sử bao quát nền lịch sử của Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000, có tựa đề “Lịch sử Việt Nam”, vừa được ấn hành tái bản lần thứ nhất với nội dung chỉnh sửa và bổ sung; trong đó thay đổi cách gọi “Chính quyền Sài Gòn-Quân đội Sài Gòn” thay vì “ngụy quân, ngụy quyền” khi nhắc đến Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, kể từ sau ngày 30/04/1975 cho đến nay.

Không gọi “ngụy quân, ngụy quyền”
Dư luận trong nước những ngày qua phấn khởi đón nhận bộ sách “Lịch sử Việt Nam” gồm 15 tập với hơn 10 ngàn trang, được 30 nhà nghiên cứu sử học biên soạn trong 9 năm, vừa được tái bản lần thứ nhất và phát hành vào hôm 18 tháng 8.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận qua trang Fanpage của Báo mạng điện tử Tuổi Trẻ Online, rất nhiều độc giả bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh các nhà sử học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học & Xã hội Việt Nam đã nhìn nhận lịch sử và viết đúng với những gì xảy ra trong lịch sử trong việc thay đổi cách gọi tên “Chính quyền Sài Gòn, Quân đội Sài Gòn”, chứ không gọi “ngụy quân, ngụy quyền” cùng lời khẳng định của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đức Cường trong buổi giới thiệu bộ sách “Lịch sử Việt Nam” rằng “Lịch sử phải khách quan và phải viết thế nào để mọi người chấp nhận”.
Báo Tuổi Trẻ Online dẫn lời nhận định của Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh rằng việc từ bỏ cách gọi “ngụy quân, ngụy quyền” mang lại những tác động tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng công pháp quốc tế. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cũng xác nhận với RFA rằng Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải được Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chính thức thừa nhận thì mới đảm bảo tính pháp lý quốc tế liên tục để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi đó, từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh cho biết Chính quyền Hà Nội đã phạm phải một lỗi lầm quan trọng là không thừa nhận thể chế Việt Nam Cộng Hòa, theo Hiệp định Geneve 1954 và Hiệp định Paris 1973 mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tham gia ký kết. Theo quan điểm nhận xét cá nhân của ông về bộ sách “Lịch sử Việt Nam” mới vừa phát hành, thay đổi cách gọi tên đối với Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là một cách mà Chính phủ Hà Nội bắn tiếng để chấp nhận những gì thuộc về của Việt Nam Cộng Hòa và có thể thừa kế quyền lợi hợp pháp, hợp lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 cũng như có thể trở thành quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ như trước đây, bởi vì:
“Bây giờ đứng trước tình hình ở Biển Đông, có thể có một số những biến động rất lớn. Đồng thời hiện tại Chính phủ Hà Nội và Chính phủ Hoa Kỳ đã có những bước thỏa thuận ngầm, điều đó tôi có các nguồn thông tin để khẳng định rằng Hoa Kỳ đang bí mật để trang bị vũ khí cho Việt Nam.”

Từ Paris, Pháp quốc, cựu Nhà báo Trần Công Sung của Việt Tấn Xã Việt Nam Cộng Hòa còn chú ý đến ý kiến của không ít chuyên gia sử học trong quốc nội, được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online, cho rằng việc từ bỏ cách gọi “ngụy quân, ngụy quyền” và công nhận Việt Nam Cộng Hòa như một chính quyền độc lập là bước tiến quan trọng để hàn gắn vết thương của người Việt sau chiến tranh, mà Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhắc lại việc công nhận này sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, theo ý nguyện lúc sinh thời của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tiền đề của hòa hợp hòa giải dân tộc?

ĐinhocLap.jpg
Xe tăng quân đội miền Bắc tiến vào dinh Ðộc Lập trưa ngày 30-4-1975. Photo: AFP

Tuy nhiên, ông Trần Công Sung nhấn mạnh với RFA là rất khó dự đoán được Chính quyền Hà Nội sẽ thừa nhận sai lầm của họ và chính thức công nhận Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hay không. Cựu nhà báo của Việt Tấn Xã Việt Nam Cộng Hòa nói thêm:
“Đã có những tờ báo khen ngợi chuyện đó. Nhưng cũng có một vài tờ báo chính thức của Nhà nước bắt đầu chỉ trích. Thành ra khó có thể nói đó là một sự chuyển hướng thực sự của Nhà nước hay không. Chính sách của Việt Nam khó mà nói trước lắm. Hôm nay như thế này, ngày mai lại thế khác. Hôm nay mềm dịu vì một vài dữ kiện mới, nhưng tháng tới lại đổi hoàn toàn.”
Thế nhưng, số đông những người Việt hải ngoại, thuộc thế hệ 1.5 chia sẻ đối với họ việc Chính quyền Hà Nội cho phép xuất bản bộ sách lịch sử mà có động thái thay đổi, không gọi tên “ngụy quân, nguy quyền” như suốt hơn 4 thập niên qua là một dấu hiệu mở ra cho sự kết nối của các thế hệ người Việt trong tương lai. Cựu Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Anh Tuấn nói với chúng tôi ông tin vào điều đó, mặc dù ngay thời điểm hiện tại, những người như ông vẫn còn dè dặt:
“Nhìn lịch sử của thế giới, nhìn lịch sử của Hoa Kỳ thì mình cũng thấy họ mất 40-50 năm sau mới bắt đầu hòa hợp hòa giải được. Trong 42 năm vừa qua, tôi nghĩ là có thể thay đổi. Sẽ không có sự thay đổi nếu như không đổi hướng đi. Và nếu bây giờ Việt Nam bắt đầu chuyển hướng thì có thể đây là sự hy vọng. Tuy nhiên, quá khứ đã cho thấy có sự hy vọng của người Việt (hải ngoại) rất nhiều nhưng cũng đã bị lường gạt quá nhiều nên sự tin tưởng vào những câu nói của họ thì chưa biết có thành thật hay không.”
Đáp câu hỏi của RFA xoay quanh quan điểm của một số những người là hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa, đang sinh sống tại hải ngoại mà có tấm lòng luôn hướng về đất mẹ với mong muốn góp một bàn tay cho quê hương được hùng cường, văn minh, thì liệu rằng họ có thể là những chìa khóa đầu tiên để mở cánh cửa cho việc “hòa hợp hòa giải” một khi Chính quyền Hà Nội chính thức công nhận thể chế Việt Nam Cộng Hòa, cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, quả quyết để thể hiện thực tâm mà Chính quyền Hà Nội kêu gọi “hòa hợp hòa giải” thì hãy tiến hành hòa giải với người dân trong nước trước:
“Hòa giải với dân chúng, hòa giải với đảng phái, hòa giải với tôn giáo, hòa giải với tất cả những người trong nước. Có hòa giải được rồi thì mới hòa hợp được với người dân trong nước, làm sao cho dân chúng tin nơi anh (Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo) thì lúc đó hãy nói chuyện với người Việt hải ngoại.”
Và những người Việt hải ngoại mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc đều chấm dứt cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng câu nói "dân tộc Việt Nam chỉ có thể hòa hợp khi không còn chế độ Cộng sản", với lý do như cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo dẫn lời của ông Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền văn phòng đổng lý, hàm Thượng thư của Vua Bảo Đại, từng giữ các chức vụ: Giám đốc Nha Pháp chính và Đổng lý văn phòng Bộ Nội Vụ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã nói với ông trong khoảnh khắc ngắn ngủi của thời gian 17 năm tù mà hai người gặp nhau rằng “Các anh sống 100 năm nữa cũng không hiểu được người Cộng sản đâu”.

http://www.rfa.org/vietnamese



Tội ác của bọn bồi bút

Vũ Hoành

Trong cuộc nội chiến Ý thức hệ tại Việt Nam ở thế kỷ 20, những nạn nhân chết vì bom đạn tuy không thể kiểm tra ra con số đích xác được, nhưng cũng có thể ước lượng, thí dụ một trăm ngàn, một triệu, mười triệu nạn nhân ... vân vân...
Nhưng có một loại nạn nhân không tính đếm được mà lại bị tàn phá triệt để đến tận cỗi rễ tâm hồn, đó là những người dân vốn hiền lành, nhân ái, nhưng đã bị bọn bồi bút bịa đặt, sáng tác ra những điều ác ôn kinh hòang, gán cho phía quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, ngày đêm nhồi nhét vào đầu mọi người dân bằng đủ loại phương tiện truyền thông, báo chí, khiến cho trái tim của những con người lương thiện hiền hòa, thương yêu đồng lọai kia ngấm dần chất độc, trở thành những trái tim mù lòa, chai đá, tàn nhẫn dã man độc ác với cả đến những người đã hòan tòan thất thế.
Những vết thương tàn khốc này trong tim họ là do bọn bồi bút muốn lập công gây ra, không thể tính đếm và tội ác của bọn bồi bút cũng không thể đo lường.
Xin nêu ra một vài bằng chứng điển hình qua những sự thật cụ thể, nói lên tính chất độc ác tác hại của bọn bồi bút bất lương:
Khi đọc lại những trang hồi ký của các cựu tù nhân “cải tạo”, người ta thường thấy ghi lại cảnh dân chúng miền Bắc xúm nhau lại hành hung, chửi rủa hoặc ném đá vào các toán “học tập cải tạo”. Vài thí dụ :
1) "Giữa năm 1976, từ trại Long Giao, Nguyễn bị đưa ra Bắc, Gần ba ngàn người bị xếp như cá hộp dưới hai khoang hầm tàu chở than, nguyên là của Việt Nam Thương Tín được cải danh Sông Hương. ….Hai ngày sau cập bến Hải Phòng. Xe lửa và molotova bít bùng dàn chào sẵn để rước về các vùng biên giới, như Yên Bái, Lao Kay... Bạn bè lạc nhau từ đây. Nguyễn đi Hoàng Liên Sơn. Cửa toa đóng kín, khiến hai ông trung tá chết ngộp, xác vứt bên đường. Ngồi xe hơi thì bị trẻ con ném đá, và những bà già Bắc kỳ tốc váy chửi rủa tục tằn, với sự đồng lõa của bọn cán bộ".
(Trích Ðá Nát Vàng Phai – Kim Thanh - Nguồn : www.khoa3hocviencsqg.com)

2) "Đến đất liền miền Bắc, ôm theo hành trang lên bờ, mỗi người được phát 1 nắm cơm vắt và một ít muối hột, đi bộ đến nhà ga xe lửa, trên đoạn đường đi, hình như dân chúng đã được báo trước và được tuyên truyền đầy ác ý... Họ chửi xối xả và ném đá vào đoàn tù nhân : “quân ngụy ác ôn"!!!
(Trích Vận Cùng Tất Biến của Phiêu Bồng - Nguồn: www.datque.com)

3) "Thình lình, đá sỏi từ hai bên đường bay lên xe như mưa! Tôi vội vàng dùng tay tự do còn lại che mặt trước cơn “mưa đá” trái mùa này. Bằng mọi giá tôi phải bảo vệ đôi mắt vì nhỡ có hòn sỏi vô tình nào bay đúng vào kính đeo mắt tôi thì khốn nạn, có thể mù mắt như chơi. Anh em tù nhân trên xe cũng vội vàng lo chống đỡ theo phản ứng tự nhiên. Trong cơn hỗn loạn bất ngờ đó, tôi nghe loáng thoáng tiếng trẻ con la hét từ bên vệ đường:
“ĐM chúng mày, lũ ngụy, lũ uống máu ăn gan người!”
Tiếng chửi bới này càng lúc càng nhiều và to hơn. Một giọng nói khác, tiếng của cán bộ, vang lên trong xe:
“Các anh thấy chưa? Nếu đảng không đưa các anh vào đây để bảo vệ các anh thì nhân dân đã giết chết các anh!”
Lúc xe chạy ra khỏi vùng bão tố, tôi mới biết có vài anh tù trên xe bị thương nhẹ. Riêng tôi bị hòn đá ném đúng vào đầu u lên một cục khá to. Tôi cảm thấy đau, nhưng đau cho thân thể tôi thì ít mà đau cho số phận dân tộc tôi thì nhiều".
(Trích TÔI PHẢI SỐNG - Bút ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ)

Điều gì khiến cho nhân dân Miền Bắc căm thù các toán “tù cải tạo”, hay nói chung là những người lính đến từ miền Nam như vậy? Họ đâu có kinh qua một ngày nào sinh sống ở miền Nam? Họ đâu có một lần nào trong đời được tiếp xúc với những quân nhân VNCH mà hầu hết đều xuất thân từ những gia đình trung lưu, có ăn học, có nền tảng đạo đức gia đình vốn là truyền thống tốt đẹp của người VN từ ngàn xưa. Vậy mà họ vẫn sẵn sàng ném đá bể đầu, lọi giò lọi cẳng những con người vốn đã mang thân phận tù đầy, tay chân có khi còn mang cả xiềng xích.
Câu trả lời không mấy khó khăn gì.

Bởi miền Bắc từ trên nửa thế kỷ nay vẫn thi hành chính sách gây căm thù trong hàng ngũ dân tộc để dễ dàng xách động quần chúng và lôi kéo được quần chúng sẵn sàng lăn xả vào những mưu đồ gian ác như Cải Cách Ruộng Đất, như các cuộc đấu tố long trời lở đất, như căm thù Mỹ Ngụy để tiến hành chủ trương “Chiếu cố miền Nam”.
Những kẻ tiếp tay đắc lực nhất cho chủ trương gây căm thù này không thể ai khác hơn là những tên bồi bút, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút, xuyên tạc, bịa đặt…miễn sao đạt mục đích là tạo được sự căm phẫn sục sôi trong lòng người đọc.



Thí dụ hồi còn phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, quần chúng nhẹ dạ, dễ tin làm sao không sục sôi cho được khi đọc bài viết có đoạn sau đây của Từ Bích Hoàng:
“Một đồng chí văn nghệ sĩ Nam Bộ đã kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện sau đây. Một hôm, bọn Mỹ-Diệm đem báo Nhân Văn ra dán ở một đầu phố Sài Gòn nhằm dụng ý để cho đồng bào miền Nam đọc, “biết tình hình Việt cộng ở miền Bắc đen tối như thế nào!”. Một chị đứng đọc hồi lâu rồi không giữ nổi căm giận, chị giơ tay xé tan tờ Nhân văn trước mặt chị. Một phát súng của một tên lính Mỹ-Diệm lập tức xuyên qua lưng chị, và chị đã gục xuống. Máu từ ngực chị đã thấm đỏ những trang báo Nhân Văn. Ðồng chí kể xong, nói:
“Tội ác ấy, đồng bào miền Nam không bao giờ quên được!”.
(Từ Bích Hoàng- Văn nghệ Quân đội, số 5 ra tháng 5-1958)

Có thể nói, vào thời điểm ấy đã có cả một trận bão các bài viết mạ lỵ, vu khống, xuyên tạc, tố giác với công an mật vụ... nhắm vào những ngòi bút của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Xin trích dẫn thêm một thí dụ để thấy giọng lưỡi ăn không nói có, sẵn sàng bịa đặt xuyên tạc để bôi đen những con người cần triệt hạ như trường hợp nạn nhân là nhà thơ Trần Dần mà sau này, khi mọi sự đã sáng tỏ, người ta chỉ thấy Trần Dần cùng người vợ tội nghiệp của ông bị hành hạ, bầm giập đến độ có lần ông phải cứa cổ tự tử nhưng không chết .
Hữu Mai viết :
"Một buổi sớm thức giấc, thấy cờ sao bay đỏ thành phố, Trần Dần mới biết cách mạng đã nắm chính quyền. Dần bỏ dở cuộc ngao du, quay về Hà Nội. Cuộc đấu tranh chính trị diễn ra giữa thủ đô từng giờ, mỗi lúc càng gay gắt, đe doạ chính quyền cách mạng đang trứng nước. Giữa lúc ấy, Dần vẫn say sưa phun khói thuốc phiện bên bàn đèn với Đinh Hùng, và bắt chim một mụ gái nhảy hơn mình gần chục tuổi, vợ ba của một văn sĩ lúc đó. Con một gia đình tư sản kiêm địa chủ khá lớn (có vài ba chục nóc nhà, dăm chục mẫu ruộng và hàng trăm chiếc xe tay cho thuê), Trần Dần có thể lấy của bố mẹ hai vạn bạc Đông Dương đưa người yêu vào Huế sống truỵ lạc. Hai tháng hết tiền, đôi trai gái bất chính này quay về Hà Nội.
….
Súng khiêu khích của giặc bắt đầu nổ. Cả thành phố nổi gai hào ụ. Sau một ngày đi nhặt bài, chuẩn bị ra báo Dạ Đài số 2, Dần về chưa kịp lên giường, đèn tắt, đại bác nổ, lửa cháy đỏ thành phố. Giờ cứu quốc đã điểm. Là một thanh niên năm ấy 20 tuổi, Trần Dần xách va-ly tản cư về Hành Thiện, Vụ Bản, Nam Định, không quên dắt theo mụ nhân tình. Dần định bụng dăm bữa nửa tháng, ngừng tiếng súng, sẽ quay về Hà Nội. Nhưng ở đây, được một số đồng chí Đảng giúp đỡ, được đọc sách, Dần bắt đầu biết thế giới có hai phe, bốn mâu thuẫn lớn, cuộc kháng chiến phải qua ba giai đoạn, phải trường kỳ".
(Hữu Mai - Văn nghệ quân đội, số 5 - tháng 5/1958)

Mà nào đâu chỉ có quần chúng nhẹ dạ bị lừa ! Đến ngay như Dương Thu Hương, một người cầm bút vốn sống đẫm mình trong cả một guồng máy tuyên truyền, bịa đặt nên cũng trở thành nạn nhân, bị lừa dối. Trong buổi nói chuyện tại Thư viện Thành phố New York ngày 30-4-2006, những lời phát biểu của nhà văn này đã được thuật lại trên trang web http://my.opera.com/HoangNgocHung/blog/duong-thu-huong, xin trích đoạn:
Dương Thu Hương đã theo chân đoàn quân chiến thắng vào tiếp thu Sài Gòn, và bà đã “ngồi xuống vỉa hè ôm mặt khóc như cha chết, vì nhận ra rằng, kẻ thắng trận là một chế độ man rợ hơn người thua”, bà có “một cảm giác vô cùng hoang mang và cay đắng”, vì “cái đẹp phải tan nát, và nền văn minh phải quy hàng”. Dương Thu Hương nói:
“Thế hệ của chúng tôi đã bị lừa…”. “Năm 69, khi tôi gặp những tù binh đầu tiên hoàn toàn là những người Việt Nam thì tôi biết mình đã bị lừa. Tôi tưởng kẻ thù của mình phải mắt xanh mũi lõ và da trắng… Năm 69, tôi thấy họ là người mũi tẹt da vàng tóc đen”. “Cả thế hệ của chúng tôi đã bị lừa”. Bà nói một cách cay đắng. Dương Thu Hương cho rằng dân Việt Nam đã bị đẩy vào một cuộc chiến vô nghĩa vì luôn luôn mang tâm thức phải “chiến đấu chống ngoại xâm”, một hệ quả từ ngàn năm chống Tàu và trăm năm chống Tây..."
Như thế, nói chung là những tên bồi bút này vốn chỉ coi sản phẩm viết lách của mình là một phương tiện để tiến thân, dẫu có sẵn sàng chà đạp lên người khác, thậm chí đến cả gia đình, bạn bè, thân hữu hay ngay đến cả quyền lợi của dân tộc. Di hại của bọn này cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, bởi nó chỉ có thể chấm dứt một khi sách vở, báo chí ấn hành dưới chế độ CS phải được đem duyệt lại, sàng sẩy, gạn lọc để loại ra những sản phẩm dối trá chỉ được viết theo nhu cầu của thiểu số lãnh đạo cầm quyền .
Nhà văn Nhật Tiến, trong cuốn Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác (Huyền Trân ấn hành năm 2012) đã nêu lên một nhận xét xác đáng về vấn đề này. Xin trích lại như sau :
“Phải nói cho ngay rằng, ở thời cực thịnh của Đảng CSVN, nhiều ông bà cầm bút đã cố tình xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật để tuyên truyền cho những mục tiêu cả ngắn hạn lẫn dài hạn của Nhà Nước. Họ đã chiếm lĩnh dư luận toàn xã hội, đã vo tròn bóp méo biết bao nhiêu sự thật. Tài sản trí tuệ của họ sau một thời gian dài đã tạo nên vô vàn sản phẩm văn nghệ nhớp nhúa mà hiện nay vẫn còn đầy dẫy trong sách vở giáo khoa ở nhà trường hay trong thư viện. ”
("Nhà Giáo một thời nhếch nhác" trang 174)
hoặc:
“Họ tự biết Sài Gòn đâu phải là thành phố được giải phóng. Nó đang bị chiếm đóng, và nhân dân trong thành phố ấy đã và đang còn bị giầy xéo, hành hạ vì cái gốc «Ngụy» của mình.
Ghê gớm thay cái trò sử dụng từ ngữ của đám cầm bút chỉ biết phục vụ cho cường quyền, dù biết nó đang là một thứ ác quyền. Bọn cầm quyền không thể đẻ ra được chữ “Ngụy”. Nó phải là sản phẩm của một chuyên viên cầm bút. Rõ ra là chỉ có một con chữ ấy thôi, nhưng cũng đã nung sôi lên được biết bao nhiêu bầu nhiệt huyết của nhiều người nhẹ dạ để bây giờ, nhiều kẻ trong đám người nhiệt huyết ấy, với súng ống rầm rộ vào thành, sẵn sàng xả hết mọi nỗi căm thù vốn đã được nuôi dưỡng từ bao nhiêu năm lên mọi ngóc ngách sinh hoạt của dân thành phố. Và sau này, người ta chỉ bừng tỉnh khi nhận ra rằng, chính mình đã bị nhồi nhét căm thù để hành xử như những con rối sẵn sàng thiêu thân.
Thủ phạm làm cái việc nhồi nhét ấy, chính là những kẻ cầm bút tình nguyện làm tay sai cho bạo lực!”
("Nhà Giáo một thời nhếch nhác" –trang 223)

Vũ Hoành
Tháng Tư năm 2013

http://khaiphong.net

 

Đăng ngày 07 tháng 10.2017